ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng, đây là một Dự Luật rất khó. “Tôi rất băn khoăn về việc luật không quy định gì về việc công khai, về quyền được tiếp cận các thông tin tài liệu hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan lưu trữ, thông tin trong quá trình điều tra xét xử, thông tin trong quá trình truy tố vụ án… bởi hiện các đạo luật về thanh tra, tố tụng, lưu trữ tài liệu dù có quy định công khai song thực tế rất khó để lấy được đầy đủ thông tin”, ĐB nêu ý kiến.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội).
|
ĐB Bùi Thị An thì đánh giá Dự Luật có rất nhiều điểm mới. Ngày xưa đúng là có hiện tượng phải mua thông tin vì tiếp cận thông tin rất khó, nhất là các thông tin về quy hoạch “ai mà biết thông tin về quy hoạch, quy hoạch dự án thì giàu nhanh lắm” nhưng hiện các thông tin đã được công khai ở mức cao hơn rất nhiều.
Nhưng Dự Luật phải quy định rõ các nội dung thông tin được lấy, trừ các thông tin cần hạn chế như đối ngoại, an ninh quốc phòng… Về phương thức lấy thông tin, tiếp cận thông tin cần làm rõ chế tài xử lý đối với các đối tượng trì hoãn cung cấp thông tin để đảm bảo tính khả thi, minh bạch.
Các ĐB cũng cho rằng, quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp 2013. Dự Luật lần này xây dựng cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận các thông tin chính thống của đất nước. Nhưng giữa Dự Luật Tiếp cận thông tin với Dự Luật Báo chí khá gần gũi nhau.
Để đảm bảo tính khả thi trong thực tế, cần quy định rõ trong luật nguyên tắc từ chối cung cấp thông tin vì các tổ chức, cơ quan nhà nước cũng có quyền từ chối cung cấp thông tin ở một số lĩnh vực nào đó. Tương tự, phải quy định rõ thông tin nào được cung cấp, phải được công bố, thông tin nào được hạn chế cung cấp, không cung cấp.