Tạp chí điện tử Ngày nay thu phí: Gợi ý cho doanh thu báo chí

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc áp dụng thu phí cho các bài viết chuyên sâu mới được Tạp chí điện tử Ngày Nay áp dụng là một ví dụ cho việc đa dạng hóa nguồn thu mà các cơ quan báo chí Việt Nam tìm kiếm bấy lâu nay. Đây là một động thái táo bạo nhưng khả năng thành công thì không phải chắc chắn.

Tạp chí điện tử đầu tiên thu phí trực tuyến
Bắt đầu từ ngày 29/3/2021, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam - Tạp chí điện tử Ngày Nay (ngaynay.vn) chính thức ra mắt hình thức báo thu phí trực tuyến. Đây là lần đầu tiên một tạp chí điện tử tại Việt Nam ứng dụng các công nghệ tài chính số để tăng tương tác cũng như khai thác doanh thu từ độc giả.
Theo đó, để có thể đọc và lưu trữ các bài báo trong chuyên mục Special Today trên tờ Tạp chí điện này, người đọc sẽ phải trả một khoản phí dao động từ 10.000 đồng/tuần cho đến 180.000 đồng/năm.
Được biết, các bài báo được thu phí trong chuyên mục Special Today đều là những nội dung có chất lượng cao, được đầu tư công phu bởi đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, cây bút có tên tuổi trong và ngoài nước. Không trình bày theo dạng một bài viết thông thường, những tác phẩm có thu phí này được áp dụng những công nghệ báo chí mới nhất nhằm đem tới cho độc giả một trải nghiệm tốt nhất.
Chuyên mục Special Today trên Tạp chí điện tử Ngày Nay sẽ cung cấp các nội dung chất lượng cao và người đọc sẽ trả phí để có thể truy cập.
Bên cạnh đó, phương thức thanh toán được Tạp chí điện tử Ngày Nay dành cho độc giả khá đa dạng, từ nền tảng ViettelPay, Bank Plus, thẻ ATM của hơn 40 ngân hàng trong nước, cho đến các loại thẻ quốc tế như: Visa, Master Card, JCB, American Express. Trong thời gian ngắn sắp tới, các nền tảng thanh toán trực tuyến mới, phổ biến nhất, phục vụ tối đa mọi đối tượng người dùng Việt Nam sẽ được bổ sung như thanh toán qua nền tảng kết nối Napas, tin nhắn điện thoại SMS và đặc biệt là thanh toán qua Mobile Money.
Nói về bước đi mang tính đột phát của Tạp chí điện tử Ngày Nay, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định: Thu phí độc giả cho nội dung digital là một xu hướng nổi bật của báo chí thế giới trong khoảng 10 năm qua, là một trong nhiều phương thức đa dạng hóa nguồn thu của các cơ quan báo chí trong bối cảnh nguồn thu quảng cáo nói chung, đặc biệt là trên báo in, giảm sút nghiêm trọng.
"Đừng nên chạy theo kiểu làm báo dựa vào thuật toán, lôi kéo độc giả bằng thông tin gây sốc, đừng tính hiệu quả của một bài báo bằng cách đếm lượt truy cập nữa. Xây dựng được nhóm người dùng trung thành, sẵn sàng bỏ tiền để đọc những nội dung hữu ích mới là con đường phát triển bền vững của báo chí hiện đại", ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Có cùng nhận định, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, việc đưa vào tính năng thu phí có thể coi là bước đột phát của Tạp chí điện tử Ngày Nay khi chọn cách “làm ngược” để tìm được con đường phát triển mang bản sắc của riêng mình.
"Mô hình “báo chí thu phí” chính là con đường khó khăn nhưng đầy vinh quang để báo chí tìm về với độc giả đích thực của mình, những người đã mất đi thói quen bỏ tiền mua tờ báo in ngày xưa, nhưng giờ có thể sẵn sàng trả tiền để đọc được đúng những gì mình cần, không bị “nhiễu loạn” trước một biển thông tin thật giả lẫn lộn trên không gian mạng, vốn từ lâu đã bị chi phối bởi những thuật toán nhằm để “câu view” và bán những nội dung quảng cáo kém chất lượng đến người đọc" - ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Nhu cầu của người đọc là trên hết
Câu chuyện phát sinh nguồn thu cho báo chí Việt Nam nói chung, đặc biệt là giải pháp thu phí với các ấn phẩm phiên bản điện tử là câu chuyện đã được đem ra bàn từ khá lâu, tuy nhiên mọi thứ vẫn gần như chỉ gói gọn trong các cuộc thảo luận. Và khi tác động của đại dịch Covid-19 khiến doanh thu của báo chí sụt giảm mạnh, cách thức này đã được nhiều tờ báo tính tới nhằm đa dạng hóa nguồn thu.
Trên thực tế, Tạp chí điện tử Ngày Nay không phải là ấn phẩm báo chí trực tuyến đầu tiên triển khai thu phí người đọc tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 6/2018, báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam đã đưa ra hình thức thu phí đọc nội dung trên nền tảng digital. Theo đó, người đọc sẽ phải trả từ 10.000 đồng/tuần cho các nội dung mang tính chuyên biệt, chuyên sâu, độc quyền... do tòa soạn tự sản xuất, hoặc dịch lại theo nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới.
 VietnamPlus là một trong những báo chí trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thu phí bạn đọc
Tuy nhiên, cần nhìn nhận trên thực tế, với những lợi thế vốn có của mình khi là tờ báo điện tử đối ngoại quốc gia trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam, VietnamPlus có thể hiện thực hóa được phương thức thu phí độc giả theo cách lâu dài và có hiệu quả, điều mà hầu hết báo điện tử trong nước khó có thể thực hiện. Có thể kể đến như VietnamPlus có toàn quyền khai thác nguồn tin của Thông tấn xã Việt Nam và từ 90 cơ quan thường trú trong và ngoài nước hay nguồn tài chính để phát triển và duy trì các dịch vụ có liên quan rất dồi dào.
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh, người tiên phong áp dụng hình thức thu phí trên VietnamPlus, cho rằng: Việc triển khai thu phí cho báo điện tử ở Việt Nam đang gặp phải rất nhiều rào cản. Có thể kể đến như quan niệm của bạn đọc khi lập luận phổ biến nhất của những người phản đối thu phí báo điện tử là “nội dung miễn phí có đầy trên Internet” rồi “thông tin như trên báo điện tử hiện nay thì làm gì có ai mua” hoặc “đừng mang chuyện của Tây mà nói ở ta.”. Hay các cơ quan báo chí chưa thực sự đi vào tìm hiểu nhu cầu căn bản của người đọc, thị trường khi muốn triển khai thu phí.
Có thể ví dụ như phương thức thu phí, nếu nhiều tờ báo lớn trên thế giới như Wall Street Journal hay Financial Times bắt buộc phải trả phí mới đọc được nội dung hay như New York Times cho đọc một số bài nhất định rồi mới đòi trả phí thì ở Việt Nam, thời điểm này, rất khó để áp dụng. Mô hình khả thi nhất chính là thu phí một phần nội dung chất lượng cao, số lượng bài dạng này chỉ chiếm 5% tổng số tin bài mỗi ngày, chủ yếu là những nội dung phân tích chuyên sâu và không ảnh hưởng gì đến nhiệm vụ phổ cập thông tin cho người đọc.
Đặc biệt, các tòa soạn cần phải xác định nội dung làm ra để thu phí là gì, đó không phải là thông cáo báo chí của đơn vị tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc của doanh nghiệp mà phải là tin tức có thể đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của một phân khúc người dùng nhất định. Chỉ những sản phẩm chuyên biệt hoặc đi theo thị trường ngách có lợi thế nhất để thu phí. Cần phải có khảo sát nghiêm túc, và cả những thử nghiệm để thăm dò nhu cầu, chứ tòa soạn không thể đưa ra quyết định cảm tính.
Ngoài ra các tòa soạn cũng cần đưa ra chiến lược marketing nhằm quảng bá cho các nội dung thu phí, đối tượng cần ngắm tới là khoảng 5-10% bạn đọc của tờ báo mỗi tháng, vì đó là những độc giả tương tác nhiều nhất và nhiều khả năng trở thành người dùng trả phí nhất. Không những vậy phương thức thanh toán phải thực sự tiện lợi, dễ sử dụng như qua nền tảng thanh toán trực tuyến, thẻ ngân hàng ...
Theo báo cáo của Mạng lưới truyền thông toàn cầu (FIPP) về tình hình thu phí digital: Đến tháng 11/2019, có gần 20 triệu người trả phí để đọc tin trên báo điện tử. Đáng chú ý, trang De Correspondent (Hà Lan) khi đạt mức tăng 75% nhờ ra thêm phiên bản tiếng Anh và còn ngoạn mục hơn là trang The Athletic với mức tăng 600%.
Theo báo cáo thường niên “Các xu hướng và dự báo về Báo chí, Truyền thông và Công nghệ năm 2020” của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ), hơn một nửa (52%) lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 29 quốc gia khẳng định thu phí báo điện tử sẽ là trọng tâm tạo doanh thu của họ trong thời gian tới. Một nghiên cứu khác của Digiday cũng cho kết quả tương tự. Chỉ có 14% cho rằng nguồn thu quảng cáo sẽ hoặc nên là trọng tâm trong năm tiếp theo.