Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/12, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Theo báo cáo tại hội nghị, kết quả năm 2013, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 2,67% (tương đương mức tăng trưởng năm 2012). Sản lượng lúa  44,1 triệu tấn, tăng 338.300 tấn so với năm 2012, cà phê 1,32 triệu tấn (tăng 2,3%), cao su 974.000 tấn (tăng 7%), hồ tiêu 123.400 tấn( tăng 6%), chè 935.000 tấn (tăng 1,3%), thủy sản 5,9 triệu tấn (tăng 3,2%)...

Chăn nuôi là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất do giá bán sản phẩm liên tục sụt giảm trong khi đó các loại thức ăn tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp người chăn nuôi thua lỗ, giảm đầu từ. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ cho ngành chăn nuôi, đồng thời chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn tình trạng nhập lậu nên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Tính đến cuối năm 2013, đàn trâu, bò cả nước hiện đạt 7,8 triệu con, đàn lợn 26,6 triệu con, gia cầm 314,7 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,3 triệu tấn, tăng 1,5%. Trong năm 2013, cả nước trồng mới được 205.100ha, tăng 9,7% so với năm 2012, tỷ lệ che phủ từ cây rừng và cây có tán đạt 41,1%.
Chuyển đổi sang mô hình trồng đu đủ tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng
Chuyển đổi sang mô hình trồng đu đủ tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng
Năm 2013 là năm không thuận lợi cho tiêu thụ nông sản cả tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu. Nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới luôn có xu hướng giảm từ giữa năm 2013 ở các quốc gia nhập khẩu nông sản chính từ Việt Nam: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippin… Hầu hết các loại nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực (gạo, cà phê, săn, cá tra đều có khối lượng và giá trị xuất khẩu giảm so với năm 2012. Nhờ 2 đợt tạm trữ lúa gạo của Chính phủ đã góp phần hỗ trợ tích cực cho nông dân, giá lúa gạo tăng từ 100 - 800 đồng/kg so với thời điểm trước khi thu mua tạm trữ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2013 đạt 27,5 tỉ USD, tăng 0,7 so với năm 2012, xuất siêu đạt 8,5 tỉ USD.

Về công tác xây dựng nông thôn mới đến nay cả nước số xã đạt tiêu chí bình quân 7,78 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 463 xã, số xã đạt 10 - 14 tiêu chí có 2.401 xã, đặc biệt cả nước có 67 xã đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Theo kế hoạch năm 2014 của ngành nông nghiệp dự kiến sẽ giảm khoảng 130.000ha diện tích trồng lúa để chuyển sang trồng một số cây hằng năm khác. Mở rộng liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn từ 200.000 - 250.000ha, sử dụng các giống thích hợp với các thị trường quốc tế, gắn kết doanh nghiệp với nông dân tiêu thụ lúa gạo, tập trung thực hiện ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2014, ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 2,6 - 3,0%, giá trị sản xuất từ 3,1 - 3,5%,  tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 28,5 tỉ USD.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong năm 2014 ngành nông nghiệp cần tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế. Đây cũng là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải tập trung thực hiện đồng thời việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững. Ngoài ra, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn...