Hỗ trợ nhiều, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn
Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam, năm 2013, TP đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn, thể hiện ở 8 nội dung cụ thể: Hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; thực hiện chương trình XTTM; thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; hỗ trợ xây dựng thương hiệu; hỗ trợ vay vốn, lãi suất tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh (SXKD); thực hiện các chính sách tài khóa và các ưu đãi thuế; tháo gỡ thị trường bất động sản; giải quyết việc làm. Trong năm, UBND TP tổ chức 10 hội nghị gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo TP với đại diện các sở, ngành, DN trên địa bàn để kịp thời lắng nghe, giải quyết vướng mắc trong SXKD.
Mặc dù vậy, tại hội nghị lần này, chỉ trong gần 2 tiếng đồng hồ đối thoại với lãnh đạo TP, vẫn có tới 10 ý kiến trực tiếp và nhiều ý kiến của DN gửi bằng văn bản để kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Nổi cộm tiếp tục là chính sách tiền thuê đất làm mặt bằng SXKD. Bà Trương Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân phản ánh: Khó khăn nhất của DN là tiền thuê đất phải nộp hiện cao gấp 8 lần so với năm 2010, trong khi thủ tục về thuê đất khá rườm rà. "Sản phẩm Dệt kim Đông Xuân hiện đã xuất khẩu (XK) nhiều sang Nhật Bản, mà thường khách hàng nước ngoài chỉ đòi giảm giá chứ không chấp nhận tăng giá bán hằng năm. Do đó, nếu tiền thuê đất tăng cao, cộng với các chi phí đầu vào tăng thì chúng tôi không thể giảm giá sản phẩm, đặt ra gánh nặng rất lớn cho DN" - bà Hà bức xúc.
Cũng khó khăn về thuế đất, ông Phạm Quan Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phân lân Văn Điển kiến nghị Nhà nước có cách tính công bằng cho DN. Vì thực tế trụ sở Công ty được thuê 85.000m2 ở huyện Thanh Trì, trong đó 84.849m2 thuộc đường Phan Trọng Tuệ (xã Tam Hiệp) và chỉ 151m2 thuộc thị trấn Văn Điển, nhưng cơ quan chức năng áp 100% tiền thuế đất của DN theo khung giá của thị trấn (cao hơn nhiều so với ở xã).
Trong vấn đề đào tạo nhân lực cho DN, đại diện Siêu thị Big C cho biết: Tới đây sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia vào hệ thống phân phối trong nước, trong khi Big C cũng như nhiều DN rất thiếu nhân lực có trình độ, mà các trường đào tạo trong nước thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu này. Do đó, DN mong muốn được TP giới thiệu địa điểm, tạo cơ chế cho siêu thị mở trường đào tạo nghề về kinh doanh siêu thị, lĩnh vực chế biến món ăn sẵn… để cung cấp nhân lực cho hệ thống các siêu thị có nhu cầu. Đại diện Công ty CP Eurowindow, Xích líp Đông Anh và nhiều DN khác cũng đề xuất TP có chương trình hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho lãnh đạo DN cũng như lao động phổ thông, tạo sự phát triển ổn định cho DN.
Trong phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhiều DN kiến nghị UBND TP tổ chức thêm nhiều đoàn cho DN đi khảo sát XTTM tại các thị trường XK mới, tạo điều kiện cho DN đưa hàng gần hơn với bà con vùng sâu, vùng xa. Ông Thân Đức Việt - Giám đốc điều hành Tổng Công ty CP May 10 còn đề xuất, thay vì DN phải ra nước ngoài khá tốn kém, UBND TP tổ chức mời gọi nhiều đoàn DN nước ngoài đến Hà Nội, vừa để họ "mục sở thị" cơ sở sản xuất, giúp DN trong nước tiếp thị hàng hóa hiệu quả hơn, vừa tiết kiệm được nhiều chi phí cho DN.
Để góp phần tháo gỡ khó về tài chính cho các DN, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn cho rằng, trong năm nay, các ngân hàng (NH) cần mạnh dạn hơn trong việc tái cơ cấu nợ, xem xét giãn nợ để DN có thời gian phục hồi SXKD, từ đó sẽ trả được nợ cho NH. Ngoài ra, NH nên cho DN vay trên cơ sở năng lực, độ tín nhiệm của DN với NH, thay vì chỉ căn cứ vào tài sản thế chấp - điều kiện rất khó, nhất là với DN nhỏ.
Gỡ khó theo “chuyên đề”
Để tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn, năm 2014, lãnh đạo UBND TP xác định sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp: Hỗ trợ thị trường, thực hiện các biện pháp đa dạng, linh hoạt nhằm kích cầu tiêu dùng, giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ vay vốn, lãi suất tạo điều kiện thúc đẩy SXKD, XK; thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách ưu đãi về thuế, hải quan, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của Chính phủ; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản trên địa bàn; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ nguồn vốn ngân sách, xử lý nợ XDCB.
Trước các kiến nghị của cộng đồng DN, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thừa nhận, tiền thuê đất cao đang là gánh nặng rất lớn của nhiều DN Hà Nội hiện nay, trong đó thậm chí có những đơn vị phải chịu hơn 10 tỷ đồng cho chi phí này. Do đó, tới đây, UBND TP sẽ tích cực kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính… về chính sách đất đai cho phù hợp hơn với thực tế DN. Bên cạnh đó, theo ông Sửu, nhu cầu đẩy mạnh đào tạo nhân lực của nhiều DN là chính đáng, vì thực tế hiện nay, TP không phải không có nhiều trường đào tạo nghề, song rất thiếu những mô hình kiểu "cầm tay chỉ việc", kỹ sư nhiều nhưng vẫn thiếu công nhân lành nghề. Vì vậy, các cơ quan chức năng như Sở KH&ĐT, Sở LĐTB&XH cần lưu tâm hơn đến vấn đề này, sớm thay đổi tư duy về đào tạo. Đặc biệt, trước nhiều kiến nghị của DN về cơ chế hoạt động của phòng y tế trực thuộc để chăm sóc sức khỏe cho người lao động, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu ngành y tế, bảo hiểm… cần đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ DN tốt hơn, nhất là trong vấn đề cấp phát thuốc kịp thời, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định, trong năm nay, lãnh đạo TP sẽ tổ chức gặp gỡ tiếp xúc với DN theo các hội nghị giao ban chuyên đề. Trong đó, ngay trong tháng 3, TP giao Sở TN&MT chủ trì tổ chức một hội nghị chuyên đề đất đai - vấn đề có thể nói là "nóng" nhất đối với DN Hà Nội hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị. ảnh: Linh Chi
|
Lãnh đạo UBND TP yêu cầu DN trên địa bàn TP trong năm 2014 cần thực hiện tốt công tác tái cơ cấu trên các lĩnh vực vốn, đầu tư, thị trường, lao động, quản lý; chủ động xây dựng giá thành hợp lý, đầu tư có trọng điểm và chọn lọc công nghệ tốt, giữ vững thị trường XK và nội địa, xây dựng sản phẩm chủ lực và thương hiệu sản phẩm cũng như thương hiệu DN, tiết kiệm tối đa chi phí, tích cực bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, DN cần tập trung sản xuất các mặt hàng phục vụ phát triển thị trường trong nước và hướng tới thị trường vùng sâu, vùng xa; đồng thời nên gắn kết với nhau tạo nên sức mạnh trong SXKD. |