Ngày 24/12, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến về Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, mục đích của Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp ngoài yêu cầu về mặt tuyên truyền, việc triển khai thi hành Hiến pháp còn nhằm xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của UBTV Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Kế hoạch này còn nhằm rà soát, kịp thời điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước cho phù hợp với quy định mới của Hiến pháp; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên của UBTV Quốc hội cho rằng, việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hiện thực hóa các quy định của Hiến pháp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc triển khai thi hành Hiến pháp mới phải đảm bảo ổn định trong quản lý, điều hành các lĩnh vực của đất nước; ưu tiên rà soát các văn bản, pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, nhất là việc điều chuyển chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần tổ chức cơ quan đầu mối để chỉ đạo, điều hòa, phối hợp đôn đốc việc triển khai Kế hoạch thi hành Hiến pháp. Thành phần của Ban Chỉ đạo cần có các thành viên của các cơ quan: UBTV Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước… do một Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Ban chỉ đạo. Để triển khai thực hiện Hiến pháp kịp thời, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả, công tác tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân cần được triển khai một cách thống nhất từ T.Ư tới địa phương. Tài liệu tuyên truyền cần thống nhất; có phương pháp tổ chức khoa học để tránh lãng phí. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, có hai cách để tuyên truyền: Một là, tuyên truyền chính thức do các Ban Tuyên giáo tổ chức triển khai; hai là tuyên truyền thông qua các hội thảo, các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc tuyên truyền cần tập trung nêu bật tính kế thừa, điểm mới của Hiến pháp và tuyên truyền rộng rãi để phát huy trí tuệ toàn dân tộc.
Kinhtedothi - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. (ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |