Tập trung xử lý sốt xuất huyết ở ngoại thành Hà Nội

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH).

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, số ca mắc SXH trong tuần qua từ 4/9 đến 10/9 giảm 475 ca so với tuần trước, giảm 1.244 ca so với tuần cao điểm. Tuy nhiên, các quận trọng điểm ghi nhận ca mắc cao như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã giảm nhưng một số quận có số ca mắc tăng so với tuần trước là Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Hoài Đức. Như vậy, số ca mắc trong 3 tuần gần đây đã có dấu hiệu giảm. Lũy tích từ đầu năm 2017 đến nay, toàn TP ghi nhận hơn 27.000 ca mắc SXH, 7 trường hợp tử vong.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại Hội nghị.
Đánh giá về công tác phòng chống dịch, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho rằng, công tác diệt bọ gậy chưa được thực hiện triệt để. Hoạt động của Đội xung kích, Tổ giám sát chưa đạt hiệu quả, còn bỏ sót ổ bọ gậy. Một số nơi chưa có hoạt động giao ban giữa Tổ giám sát và Đội xung kích (xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai; xã Hiệp Thuận, Phúc Thọ).

Về vấn đề phun thuốc diệt muỗi, ông Hạnh cho biết, hiện tại TP đã nhập thêm máy phun mù nóng nâng tổng số máy lên 40 cái, đảm bảo mỗi quận, huyện đều có ít nhất 1 cái để phun tại các trường học, khu vực công cộng. Tuy nhiên, theo đánh giá tỷ lệ phun ở ngoại thành cao hơn nội thành.

Về vấn đề số ca mắc SXH ở ngoại thành tăng, ông Hạnh lý giải: Do người lao động mang bệnh từ nội thành về, cộng thêm số bệnh nhân tại chỗ nên số liệu tăng. Việc xử lý dịch ở ngoại thành thuận tiện hơn ở nội thành, ngành y tế các huyện phải tập trung xử lý ổ dịch, có thể huy động lực lượng y tế ở xã khác vào xã có nhiều ổ dịch. Như tại xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất), huyện đã tập trung toàn bộ lực lượng y tế vào đó để diệt bọ gậy. Nhờ đó, sau đợt 1 còn hơn 1.000 ổ thì đến đợt 2 chỉ còn 200 ổ. "Phải làm đến đâu gọn đến đấy, không dàn trải, tập trung diệt bọ gậy sau đó thì phun thuốc. Nếu không làm quyết liệt rất có thể dịch sẽ lại bùng lên" - ông Hạnh nhấn mạnh.

Ông Hạnh cho biết thêm, hôm qua (11/9), Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng gồm 20 thành viên, trong đó có cả các giáo sư, chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC để đánh giá tình hình dịch SXH ở Hà Nội thời gian qua và trong tương lai.

Đại diện quận Hoàng Mai cho biết, 100% ổ dịch trên địa bàn đã được phun thuốc. Tuy nhiên, để phun diện rộng mới đạt 5/14 phường. Quận dự định, từ nay đến 10/10 sẽ phun hoàn thiện 14 phường. Quận Hoàng Mai đề nghị TP hỗ trợ thêm 30 máy phun để đẩy nhanh tiến độ phun hóa chất. Hiện, quận đã có 25 máy phun tay và 1 máy phun công suất lớn. Đại diện quận cho biết thêm, quận cũng đã cử 84 cán bộ hỗ trợ các đội xung kích diệt bọ gậy nhưng qua kiểm tra còn khoảng 7% hộ gia đình còn ổ bọ gậy.

Đại diện quận Thanh Xuân cho biết, hiện trên địa bàn còn 33 bệnh nhân đang điều trị SXH, 3 ổ dịch. Vừa qua, quận đã huy động 600 sinh viên tình nguyện của 7 trường đại học trên địa bàn tham gia vào các đội xung kích diệt bọ gậy nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này. "Chúng tôi đề nghị mỗi trường cao đẳng, đại học, công trình xây dựng trên địa bàn phải tự thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy để giảm áp lực cho các phường. Chúng tôi cũng đang cố gắng để đến 17/9 hoàn thành phun hóa chất diện rộng trong toàn quận" - đại diện quận cho hay.

Trong khi đó, đại diện huyện Thanh Oai cho biết, đến ngày 10/9 huyện còn 102 bệnh nhân/21 ổ dịch đang điều trị SXH. Công tác thu gom phế liệu, diệt bọ gậy vẫn được các xã duy trì vào thứ Bảy hàng tuần, thực hiện cuốn chiếu. Tuy nhiên, số hộ còn ổ bọ gậy qua giám sát vẫn cao (khoảng 34%). Huyện đã thành lập riêng một tổ giám sát của huyện với thành phần là dân quân tự vệ để giám sát lại các tổ giám sát của các xã nhằm tăng cường hiệu quả của việc diệt bọ gậy.

Có số ca mắc tăng cao trong tuần qua, đại diện huyện Hoài Đức bày tỏ: "Chúng tôi xác định Hoài Đức là huyện ven đô, giao lưu thương mại và độ di dân lớn nên tình hình dịch diễn biến phức tạp. Do vậy, chúng tôi đã tăng cường số đội kiểm tra của huyện, yêu cầu các xã rà soát và bổ sung lực lượng đội xung kích diệt bọ gậy. Đồng thời, huyện đã huy động lực lượng sinh viên trên địa bàn cùng tham gia các đội xung kích, tập trung tại 6 xã trọng điểm có số ổ bọ gậy lớn và các trường học".

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý yêu cầu các quận, huyện tiếp tục tập trung công tác phòng chống dịch SXH theo chỉ đạo của TP, quyết tâm diệt bọ gậy tại 100% các hộ gia đình, rà soát và bổ sung lực lượng cho đội xung kích diệt bọ gậy. Nếu cần thiết phải tập huấn lại cho đội xung kích và các tổ giám sát. Đặc biệt, với các huyện ngoại thành có số mắc tăng cần tập trung lực lượng để xử lý triệt để các ổ dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Đối với huyện Hoài Đức - huyện có số ca mắc tăng cao nhất tuần qua, thứ Bảy này (16/9) Phó chủ tịch và đoàn công tác sẽ kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại đây. Với vấn đề phun hóa chất, Phó Chủ tịch yêu cầu các quận, huyện tiếp tục tập trung phun trọng điểm tại các ổ dịch đang hoạt động, các khu vực công cộng, chợ, trường học. Xây dựng kế hoạch phun chi tiết, cụ thể, có kiểm tra và tái kiểm tra.

Phó Chủ tịch khuyến khích các quận, huyện huy động lực lượng sinh viên trên địa bàn vào cuộc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. "Đối với các hộ gia đình không hợp tác trong phun thuốc và diệt bọ gậy có thể thông báo lên loa xã, phường thường xuyên" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần