Bị động vì khảo cổ
"Phần lớn khảo cổ hiện nay bị động, đi theo sau, thậm chí bắt các công trình, dự án phát triển đô thị phải nằm chờ cho đến khi có kết luận về khảo cổ. Như vậy là quy trình ngược, không phù hợp", đó là nhận định của KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội.
Khi quá trình xây dựng đô thị phát triển, mâu thuẫn giữa phát triển với bảo tồn, cụ thể là hệ thống di tích ngầm mới bộc lộ nhiều bất cấp.Năm 2010, trong quá trình thi công nút giao thông Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, đã nổ ra những ý kiến bất đồng giữa đơn vị thi công và giới nghiên cứu khảo cổ.
Khu khai quật đường Văn Cao - Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Hải Linh
Bên thi công thì cho rằng, khu vực xây dựng chưa nằm trong phạm vi được công nhận di tích, nên công trình thi công không vi phạm Luật Di sản. Còn các nhà khảo cổ, lịch sử khi đến hiện trường bắt gặp nhiều mảnh gạch vỡ thời Lê, các mảnh gốm tiền Thăng Long và Thăng Long dưới các thời Lý - Trần - Lê thì lo ngại nguy cơ xóa sổ di tích thành Đại La.
Bên nào cũng có lý để bảo vệ quan điểm của mình. Và kết quả là giới khảo cổ không tìm ra lời giải chính xác về sự tồn tại của thành Đại La, và công trình giao thông trọng điểm bị đình lại suốt một thời gian dài, kéo theo những thiệt hại không nhỏ.
Cuộc tranh luận tương tự cũng xảy ra trước phương án xây cầu vượt qua ngã 5 Ô Chợ Dừa. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm: "Việc xây dựng các tuyến đường như Ô Chợ Dừa - Kim Liên, Vành đai I... không phải là mới mà đã được công bố quy hoạch từ rất lâu.
Khi định hướng tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa vào năm 1996, thành phố đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc và các nhà khảo cổ, và cũng đã khoanh vùng bảo vệ di tích". Thế nhưng đến nay, khi phương án xây cầu vượt qua ngã 5 Ô Chợ Dừa chuẩn bị tiến hành, thì các nhà khảo cổ và lịch sử lại bùng lên những ý kiến trái chiều về độ chuẩn của sự khoanh vùng ngày đó, cũng như sự tồn tại của Đàn Xã Tắc trong đảo giao thông. Và rất có thể, phương án xây cầu vượt qua một nút giao thông "nóng" của Hà Nội này sẽ lại bị kéo dài để chờ lời giải từ khảo cổ.
Đề án tâm huyết còn bỏ ngỏ
Khi mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn nổ ra, người ta mới quay ra tìm quy hoạch khảo cổ của Thủ đô. Rất nhiều người cho rằng, Hà Nội đang thiếu bản đồ về hệ thống di tích "ngầm". Nhưng rất ít người biết, từ những năm 2000, ông Lê Viết Chức (nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội) đã đề nghị Viện khảo cổ học xây dựng một bản đồ khảo cổ ở dạng sơ khai.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, khi đó, ông và GS Hà Văn Tấn được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình này. Bản đề án có tên gọi "Khảo cổ học với việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc tại Hà Nội".Do những hạn chế về mặt bằng, kinh phí, điều kiện tổ chức khảo sát... việc xây dựng bản đồ khảo cổ này chỉ tiến hành một cách tương đối.
Một phần rất lớn thông tin trong bản quy hoạch được tham chiếu từ các thư tịch cũ và hệ thống tư liệu của các cuộc khai quật được thực hiện rải rác tại Hà Nội từ năm 1960 trở đi. Ngoài ra, cũng do đặc thù của những năm 2000, phần trọng tâm trong bản quy hoạch vẫn là khu vực nội thành (gồm 4 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa) và cụm di tích Cổ Loa tại Đông Anh. Những huyện ngoại thành chưa thể tổ chức khảo sát như nguyện vọng của các nhà khoa học.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: "Trong bản Quy hoạch khảo cổ là đề xuất những khu vực cần được nghiên cứu trước, phân công rõ ràng từng cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn khu vực đó. Tư duy của họ là vừa cho mọi người hiểu được về giá trị lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến, đồng thời, cũng là đi trước một bước để cảnh báo những khu vực nhạy cảm cần được lưu giữ, bảo vệ".
Tới cuối năm 2002, đề án này đã hoàn thành và được chuyển lại cho các cơ quan chức năng. Điều đáng tiếc, do chưa có quy định bắt buộc tại Luật Di sản văn hóa, bản đề án không được "luật hóa" để có sự liên thông với các phương án xây dựng, quy hoạch đô thị sau đó.
Các chuyên gia của Viện Khảo cổ cũng không nhận được yêu cầu và kinh phí để tiếp tục nghiên cứu sâu và hoàn thiện bản "quy hoạch khảo cổ" này ở mức chi tiết hơn. Đến thời điểm này, khi nhu cầu xây dựng quy hoạch khảo cổ được đặt ra một cách bức thiết với Hà Nội, PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng bản quy hoạch cũ vẫn có giá trị sử dụng tương đối cao.
Theo đánh giá của cá nhân ông, cộng với những tư liệu khảo cổ thu thập trong 10 năm qua, các chuyên gia khảo cổ có thể tập trung tối đa trong khoảng 2 năm để hoàn thành kế hoạch này. Được biết, hiện UBND TP đang có kế hoạch giao Viện Khảo cổ xây dựng bản quy hoạch khảo cổ "chuẩn" của Thủ đô và mọi việc có thể được bắt đầu vào cuối năm 2013 này.