Tàu Ever Given vẫn mắc kẹt tại Suez, Mỹ lo ngại tác động đến thị trường dầu mỏ

Nguyễn Phương (Theo AP, CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ đã đề nghị hỗ trợ Ai Cập giải cứu tàu Ever Given đang mắc kẹt tại kênh đào Suez, và cho rằng sự cố có thể gây ra “một số tác động tiềm tàng đến thị trường năng lượng”.

Các nhà quản lý hôm 26/3 cho biết, nỗ lực giải cứu tàu khổng lồ Ever Given mắc kẹt giữa kênh đào Suez tiếp tục thất bại khiến nhiều tàu phải chuyển hướng.
Bernhard Schulte Shipmanagement - công ty quản lý kỹ thuật của tàu Ever Given cho biết, một nỗ lực giải cứu cho siêu tàu Ever Given mắc cạn vào ngày 26/3 đã thất bại. "Một nỗ lực khác nhằm giải cứu con tàu vào sáng nay đã không thành công", Bernhard Schulte Shipmanagement cho biết  trong thông báo hôm 26/3.
 Nhóm giải cứu sử dụng thiết bị nạo vét cố gắng đào bới đất đá để giải cứu con tàu đang chắn ngang kênh đào Suez. Ảnh: CNBC
Theo Bernhard Schulte Shipmanagement, trọng tâm hiện nay là nạo vét để loại bỏ cát và bùn xung quanh mạn trái của mũi tàu".
Đội phản ứng khẩn cấp của Hà Lan - đơn vị hỗ trợ làm nổi tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga mắc kẹt tại biển Barents - nói rằng việc giải cứu “siêu tàu” Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez là một trong sự số nghiêm trọng nhất từng tham gia.
Bernhard Schulte Shipmanagement lưu ý thêm rằng "không có báo cáo về tình trạng ô nhiễm hoặc thiệt hại hàng hóa. Các điều tra ban đầu về nguyên nhân sự cố loại trừ lỗi máy móc hoặc động cơ".
Một máy nạo vét đặc biệt có khả năng hút 2.000 m3 đất cát mỗi giờ hiện đang có mặt ở kênh đào Suez, và "công tác chuẩn bị đang được thực hiện để dùng bơm công suất lớn hút bớt nước trong tàu ra" nhằm giảm trọng tải.
Bernhard Schulte Bernhard Schulte cũng cho biết 2 con tàu lai dắt nữa sẽ có mặt tại hiện trường vào ngày 28/3 để hỗ trợ giải cứu. Tài chở container Ever Given nặng tới trên 220.000 tấn nên các tàu cứu hộ loại nhỏ sẽ không thể kéo nổi.
Shoei Kisen Kaisha, công ty Nhật Bản sở hữu tàu Ever Given, cho biết họ đặt mục tiêu giải phóng con tàu trong ngày thứ Bảy, song không thể đảm bảo nhiệm vụ sẽ được hoàn thành đúng thời hạn này.
Phát biểu trong cuộc họp báo tối  26/3, tại trụ sở công ty ở Imabari, miền Tây Nhật Bản, Chủ tịch Shoei Kisen Yukito Higaki cho biết, 10 tàu kéo đã được huy động, các công nhân đang nạo vét bờ và đáy biển gần mũi tàu để cố gắng đưa nó nổi trở lại khi thủy triều lên.
“Chúng tôi xin lỗi vì đã làm tắc nghẽn giao thông, gây ra rắc rối và lo lắng cho nhiều người”- ông Higaki cho hay.
Trong tuyên bố ngày 27/3, lãnh đạo Shoei Kisen Kaisha cho biết, công ty đã xem xét việc dỡ bỏ các container trên tàu để giảm trọng lượng, nhưng điều này rất khó thực hiện. Công ty cho biết họ vẫn có thể cân nhắc lựa chọn đó nếu các nỗ lực giải cứu đang tiến hành không thành công.
Ever Given, một trong những tàu hàng lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của Shoei Kisen Kaisha, đang trên hải trình từ Trung Quốc đến cảng Rotterdam của Hà Lan,  gặp một cơn bão cát hôm 23/3.
Tầm nhìn bị hạn chế giữa gió mạnh và sập nguồn điện khiến tàu mắc kẹt và chắn ngang kênh đào Suez - một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, nối giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải.
Ngày 26/3, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính phủ Mỹ đang theo dõi sát tình hình ở kênh đào Suez. "Chúng tôi đã đề nghị giúp Ai Cập khai thông dòng chảy thương mại ở kênh đào Suez. Các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn", bà Psaki nói trong một cuộc họp báo, sau đó cho biết thêm rằng "thị trường năng lượng có thể sẽ phải chịu một số tác động.
Sự cố tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez kéo dài sang ngày thứ tư đã bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Trong phiên giao dịch 26/3, giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ WTI cùng tăng hơn 4% giữa lo ngại tình trạng tắc nghẽn ở Suez có thể sẽ kéo dài nhiều tuần.
Theo Bloomberg, giá trị hàng hóa và dầu thô đi qua Suez là khoảng 10 tỷ USD mỗi ngày và chiếm 12% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
Bà Paola Rodriguez-Masiu – Phó Giám đốc phụ trách thị trường dầu mỏ của công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy cho hay: "Các nhà giao dịch bắt đầu nhận ra rằng tình trạng mắc kẹt ở kênh đào Suez đang có tác động lớn tới dòng chảy của dầu mỏ cũng như nguồn cung hàng hóa, tác động có thể lớn hơn nhiều so với đánh giá trước đây".
Số liệu của hãng nghiên cứu Kpler cho thấy, trong số 39,2 triệu thùng dầu/ngày được vận chuyển bằng đường biển trong năm 2020, có 1,74 triệu thùng (chiếm gần 5%) đi qua kênh đào Suez. Tuy tỷ lệ không lớn, song tình trạng đình trệ giao thông kéo dài, mức độ ảnh hưởng sẽ gia tăng.
Theo nhà cung cấp dịch vụ kênh đào Leth Agencies, tình trạng ùn tắc giao thông hàng hải đã tăng lên đến 280 tàu bên ngoài kênh đào Suez trong ngày 27/3 và một số tàu bắt đầu chuyển hướng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần