Tàu khổng lồ Ever Given vẫn mắc kẹt, giao thông tại kênh đào Suez tê liệt

Nguyễn Phương (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tàu chở hàng khổng lồ mắc cạn ở kênh đào Suez, khiến giao thông tại một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới, vẫn bị mắc kẹt.

Tàu chở container khổng lồ Even Given vẫn chưa thể di chuyển qua kênh đào Suez.

Tàu chở container khổng lồ Even Given vẫn chưa thể di chuyển qua kênh đào Suez - nối liền Địa Trung Hải và vịnh Suez, trong ngày 24/3. Nhiều tàu kéo và máy xúc đã được triển khai để cứu hộ nhưng không thành công.

ET Bernhard Schulte Shipmanagement - bộ phận quản lý kỹ thuật của tàu Even Given, hôm 24/3 nói rằng con tàu chưa thể di chuyển được và các tàu cứu hộ đang nỗ lực nạo vét bùn xung quanh khu vực bị mắc kẹt.

“Các tàu đang tiếp tục nạo vét cát và bùn để cứu hộ thành công tàu Even Given”- Bernhard Schulte Shipmanagement cho biết.

Trước đó, tàu Even Given, đang trên hải trình từ Trung Quốc đến cảng Rotterdam của Hà Lan, bị mắc kẹt tại kênh đào Suez vào tối 23/3. Một số nguồn tin cho biết tàu Ever Given có thể bị mất điện hoặc do gió lớn, trôi ngang làm tắc nghẽn kênh.

Trong một thông báo, công ty vận hành tàu Evergreen Marine có trụ sở tại Đài Loan cho biết, tàu Ever Given bị mắc cạn do gặp gió mạnh trong lúc đi qua kênh đào Suez. Công ty này nói thêm rằng không có container nào trên tàu Evergreen Marine bị chìm.

Bộ phận kỹ thuật Bernhard Schulte cho biết thêm, hiện chưa có về thương vong trong số 25 thành viên phi hành đoàn cũng như ảnh hưởng đến hàng hóa trên tàu. Các cuộc điều tra ban đầu đã loại trừ nguyên nhân về lỗi cơ hoặc động cơ là lý do khiến tàu bị mắc cạn.

Tàu Ever Given nặng 220.000 tấn, dài 400m, có khả năng chở 20.000 container, thuộc loại tàu hàng hải mới, được gọi là tàu container siêu lớn.

Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez, gần 19.000 lượt tàu đã đi qua kênh này trong năm 2020, trung bình 51,5 lượt/ngày.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy hàng trăm tàu đang bị kẹt ở hai phía kênh đào Suez do sự cố của tàu container Even Given.

Vụ tàu mắc kẹt xảy ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu. Lĩnh vực thiếu hụt nguồn cung trầm trọng nhất là ngành công nghiệp chip, buộc nhiều hãng sản xuất ô tô phải tạm ngừng hoạt động./.