Theo ghi nhận của phóng viên, sở dĩ đến thời điểm này, xe taxi dù vẫn còn “đất diễn” là có một phần trách nhiệm không nhỏ của các đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe taxi.
Muôn kiểu vi phạm
Theo chân tổ công tác, Đội CSGT số 1 đi kiểm tra tại một số điểm nóng, nơi có nhiều taxi dù ngang nhiên hoạt động như khu vực hồ Hoàn Kiếm, Bệnh viện Việt Đức… không khó để phát hiện các xe này. Theo ghi nhận, tại mỗi địa điểm lực lượng kiểm tra đã lập biên bản, xử phạt hàng chục trường hợp bị xử lý. Trong đó, các lỗi vi phạm tập trung vào các lỗi như không có phù hiệu xe taxi hoặc phù hiệu đã hết hạn, thậm chí là sử dụng phù hiệu giả. Đơn cử như trường hợp của xe ô tô gắn mào Việt Nam Taxi mang BKS 30A – 702.50, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phù hiệu xe taxi có dấu hiệu bị làm giả. Tinh vi hơn, lái xe này còn khôn khéo dán số điện thoại tổng đài của hãng Việt Nam Taxi ở 2 bên cửa trước cho giống xe taxi thật. Tuy nhiên, bằng con mắt nghiệp vụ, các lực lượng chức năng đã xác định, số điện thoại 0436.39.39.39 được dán trên cửa xe là không có thực (số đúng là 0438.39.39.39 - PV) nhằm qua mắt các lực lượng chức năng.
Tiếp đó, kiểm tra xe taxi dù BKS 29A – 313.80 do tài xế Lê Văn Tình (Xuân Trường, Nam Định) điều kiển, tổ công tác đã phát hiện hàng loạt vi phạm. Cụ thể, trong Giấy kiểm định chiếc xe này là xe cá nhân, đăng ký KDVT theo hình thức Grab… nhưng xe lại đeo mào Taxi Meter, phù hiệu xe taxi lại của hãng Sông Hồng đã hết hạn từ năm 2015… Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Tình cho biết, ban đầu đăng ký xe để KDVT theo hình thức Grab, nhưng do làm ăn kém hiệu quả nên đánh liều đeo mào xe taxi để hoạt động, chờ cơ hội xin vào một hãng taxi nào đó (?).
Doanh nghiệp taxi thờ ơ với vi phạm
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Minh Đức – Đội phó Đội CSGT số 1 cho biết, việc phát hiện xử lý xe taxi dù ngày càng phức tạp, bởi trình độ làm giả của các lái xe ngày càng tinh vi. Thêm vào đó, các DN KDVT bằng xe taxi khi thanh lý xe không báo cho các lực lượng chức năng nên nhiều đối tượng lấy xe đã thanh lý nhưng vẫn còn mào tham gia kinh doanh. Đó là chưa kể theo quy định mới, các hãng xe không đủ 50 xe sẽ không được hoạt động nên nhiều hãng phải sáp nhập để tồn tại, tuy nhiên, trong quá trình này, nhiều xe không tiến hành sáp nhập, sử dụng lô gô, phù hiệu cũ để hoạt động chui… khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn: “Việc các DN KDVT xe taxi khi tiến hành thanh lý xe không thông báo cho các lực lượng chức năng không chỉ làm khó cho công tác quản lý mà còn ảnh hưởng đến uy tín của chính các DN đã thanh lý xe” – Đại úy Đức nhấn mạnh.
Cũng theo Đại úy Đức, trong thời gian tới, Đội CSGT số 1 sẽ tiếp tục tăng cường, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm điều kiện KDVT của xe taxi. Tuy nhiên, để công tác xử lý đem lại hiệu quả cao rất cần sự vào cuộc của các DN KDVT bằng xe taxi, thậm chí là những lái xe của hãng, bởi chính họ là những người biết rõ nhất xe nào là xe dù, xe nào là xe xịn. Bởi từ trước đến nay, việc phát hiện xe taxi dù của các lực lượng chức năng phần lớn đều qua công tác kiểm tra xử lý vi phạm luật giao thông.
Mặc dù công tác xử lý tình trạng xe taxi "dù" là nhiệm vụ thường xuyên của các lực lượng chức năng TP, nhưng có thể nói, đây là vấn đề không thể xử lý được trong một sớm, một chiều. Do đó, theo nhiều chuyên gia, người dân cần thận trọng trong việc lựa chọn xe taxi, nên gọi xe theo số tổng đài, quan sát để nhận biết xe dù, xe xịn (xe "dù" thường không đánh số thứ tự xe ở vỏ xe)… để đảm bảo quyền lợi của mình.
Lực lượng CSGT kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải của xe taxi.
|
Theo Điểm đ, Khoản 6, Điều 23 Nghị định 171, người điều khiển xe taxi không có phù hiệu xe taxi theo quy định sẽ bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Ngoài ra, lái xe vi phạm sẽ bị tạm giữ Giấy phép lái xe trong 2 tháng. |