Hai bộ loay hoay
Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, trong 2 năm qua Bộ đã nhiều lần làm việc với đại diện của Uber để trao đổi, hướng dẫn DN này xây dựng Đề án thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ vận tải. Nhưng đến thời điểm này, mọi Đề án Uber trình lên đều không đúng như đã được hướng dẫn và bị trả lại. Và đương nhiên, hiện mọi hoạt động kinh doanh của Công ty Uber B.V. Hà Lan tại Việt Nam vẫn bị “thả nổi”.
Lý giải thực tế này, đại diện Bộ GTVT cho rằng, Nghị định 52 và Thông tư 59 chỉ áp dụng đối với các website, ứng dụng thương mại điện tử của các DN được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam (hiện diện thương mại hoặc đăng ký tên miền Việt Nam). Vì vậy, Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý để kiểm tra hay buộc các bên tham gia phải tuân thủ đầy đủ mọi quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, khi giao dịch qua sàn thương mại điện tử của Uber.
Mặc dù ngày 24/8 vừa qua, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn thu thuế Uber với mức thuế suất 3% nhưng Bộ GTVT vẫn khẳng định, việc ban hành công văn hướng dẫn thu thuế Uber, không đồng nghĩa với Công ty này đã được cấp phép tham gia đề án thí điểm, đó là hai vấn đề khác nhau.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hành động cung cấp phần mềm kết nối chưa được phép thí điểm, bất chấp luật pháp, hợp tác với xe cá nhân của Uber đang gây rối loạn thị trường taxi nói riêng và vận tải hành khách nói chung. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là các bộ, ngành hữu quan phản ứng quá chậm, thiếu biện pháp hữu hiệu để ứng phó với những loại hình kinh doanh sử dụng công nghệ cao. Trong khi Bộ GTVT vẫn gần như bất lực, thì Bộ Tài chính phải mất gần 2 năm mới ra được văn bản hướng dẫn thu thuế Uber.
Cần dấu hiệu nhận biết
Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết, việc kiểm tra, xử phạt taxi Uber gặp rất nhiều khó khăn vì xe hoạt động không có logo hoặc bất kỳ dấu hiệu nhận biết nào. Thanh tra GTVT tốn rất nhiều thời gian mật phục, theo dõi nhưng khi kiểm tra, hành khách lại đứng về phía tài xế Uber, không thừa nhận đang sử dụng dịch vụ, do đó không thể lập biên bản xử phạt.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Minh thừa nhận, việc kiểm tra, xử lý các sai phạm của Uber là không dễ dàng. Để xử lý được mỗi trường hợp vi phạm đòi hỏi phải có bản tường trình, sự hợp tác của hành khách khi đi xe. Nhưng do tâm lý sợ phiền hà nên khi lực lượng chức năng kiểm tra, hành khách lại phối hợp với tài xế, trình bày đây là xe chở gia đình, bạn bè...
Lãnh đạo Công ty CP Ánh Dương - taxi Vinasun kiến nghị: “Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp nhằm triệt tiêu việc dùng phần mềm bất hợp pháp làm tăng lượng“xe mù” gây rối loạn thị trường như Uber”. Còn đại diện Phòng CSGT, CATP Hồ Chí Minh đề xuất, cơ quan quản lý Nhà nước cần có hướng dẫn để giúp lực lượng chức năng nhận biết các phương tiện tham gia Uber. Đồng thời cũng cần tăng nặng mức phạt đối với các đơn vị, DN, cá nhân tham gia Uber để tăng tính răn đe.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền khẳng định, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở GTVT các tỉnh, TP phối hợp với lực lượng Công an, cơ quan thuế, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế, ngang nhiên coi thường pháp luật. Mặc dù chậm, nhưng động thái này đã phần nào đáp lại kỳ vọng của dư luận xã hội, cho thấy nỗ lực của Bộ GTVT trong việc giữ gìn kỷ cương, bảo vệ môi trường kinh doanh vận tải hành khách lành mạnh, bình đẳng.
Theo Bộ GTVT, hiện trên cả nước chỉ có 3 phần mềm ứng dụng điện tử hỗ trợ kết nối vận tải được cấp phép thí điểm là: GrabCar của Công ty TNHH Grab Việt Nam, V-Car của Công ty CP Ánh Dương (Vinasun) và Thanh Cong Car của Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội. |