Tên 20 danh nhân, nhân vật lịch sử được đặt tên đường tại TP Thủ Đức

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Thủ Đức công bố 20 tên đường gắn với tên các danh nhân, nhân vật lịch sử qua các thời kỳ.

Sáng ngày 25/4, tại khu dân cư thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) tổ chức lễ đặt tên đường trên địa bàn TP Thủ Đức.
 Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu tại lễ gắn tên đường sáng ngày 25/4. Ảnh Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy TP, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; Phan Thị Thắng, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP; Hoàng Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức; cùng gia đình, thân nhân các danh nhân, nhân vật lịch sử được đặt tên đường trên địa bàn TP Thủ Đức.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND Thủ Đức Hoàng Tùng chia sẻ, đây là niềm vinh dự của TP Thủ Đức. “Là tâm nguyện, tấm lòng của người dân TP Hồ Chí Minh nói chung, TP Thủ Đức nói riêng trong sự tri ân, trân trọng, giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thông qua các danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh được đặt tên đường”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ông nói thêm, việc triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông trọng điểm gắn với quy hoạch đô thị là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TP Thủ Đức.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thay mặt các gia đình phát biểu tại lễ đặt tên đường. Ảnh Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh
Việc đặt tên đường góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn TP Thủ Đức; tạo tiền đề cho TP mới phát triển theo hướng nhanh, bền vững, trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt.
Thay mặt các gia đình, thân nhân các danh nhân, nhân vật lịch sử được đặt tên đường trên địa bàn TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã quyết định lấy tên 20 danh nhân, nhân vật lịch sử đặt tên đường trên địa bàn TP Thủ Đức, trong đó có cha của ông là cố Giáo sư, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thiện Thành.
Ông Nhân nhấn mạnh đây là vinh dự lớn đối với các gia đình cũng như sự tri ân đến các đồng chí có công trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước.
 Nguyên Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu và gia đình Giáo sư Nguyễn Thiện Thành thực hiện nghi thức gắn bảng tên đường sáng 25/4. Ảnh Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh
Đồng thời, việc đặt tên đường trong thời điểm cả nước chào mừng kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021) càng có ý nghĩa lớn, giúp người dân TP Thủ Đức và TP Hồ Chí Minh thêm tự hào về thế hệ cha ông. 
Theo đó, việc đặt tên đường tại TP Thủ Đức được thực hiện theo Nghị quyết về việc bổ sung quỹ tên đường và đặt tên đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, được HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX thông qua tại kỳ họp thứ 23 thông qua, ngày 9/12/2020.
Trên cơ sở đó, TP Thủ Đức được xét đặt tên cho 20 tuyến đường huyết mạch và các khu dân cư mới gắn với tên các danh nhân, nhân vật lịch sử qua các thời kỳ.
 Người thân các danh nhân, nhân vật lịch sử chung niềm vui lớn trong ngày 25/4. Ảnh Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh
Trong đó, tuyến đường Nguyễn Thiện Thành, Bùi Thiện Ngộ, Trần Bạch Đằng, Tố Hữu là bốn tuyến nằm tại khu dân cư thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vị trí ngã tư, nút giao của các tuyến đường Đại lộ vòng cung (R1), đường ven sông Sài Gòn (R3) và đường Châu thổ (R4).
Sau lễ khai mạc, lãnh đạo TP, lãnh đạo TP Thủ Đức cùng gia đình 20 danh nhân, nhân vật lịch sử được đặt tên đường đã cùng thực hiện nghi thức gắn bảng tên đường.
20 danh nhân, nhân vật lịch sử được đặt tên đường trong đợt này tại TP Thủ Đức gồm:
Nguyễn Thiện Thành; Bùi Thiện Ngộ; Trần Bạch Đằng; Tố Hữu; Trần Quý Kiên; Trần Văn Sắc; Nguyễn Đình Thái Ly; Hồ Thị Nhung; Trần Đức Thảo; Nguyễn Thị Thích; Nguyễn Thị Diệp; An Tư Công Chúa; Lưu Đình Lễ; Tinh Thiều; Bạch Đông Ôn; Phạm Văn Ngôn; Đặng Bỉnh Thành; Đặng Đình Tướng; Dương Lâm; Dương Thành.
Trong đó, tại khu vực trung tâm, tên đường mang tên Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được đặt cho đường ven sông Sài Gòn (R3) dài gần 2,8km. Giáo sư Nguyễn Thiện Thành mất ngày 8/10/2013 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 95 tuổi. Ông Nguyễn Thiện Thành là cha của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân.
Bên cạnh đó, đặt tên Tố Hữu (nhà thơ nổi tiếng đạt nhiều giải thưởng lớn và từng là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cho đường ven hồ trung tâm (R2) và một phần đường ven sông Sài Gòn (R3) dài hơn 3km.
Đặt tên Trần Bạch Đằng (nhà báo, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà chính trị lão thành cách mạng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) cho đại lộ vòng cung (R1) dài hơn 3,3km.
Đặt tên Bùi Thiện Ngộ cho đường châu thổ (R4) dài hơn 2,5km. Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ sinh tại Tân Định, Sài Gòn, từng là Bộ trưởng Bộ Công an.
Tuyến đường mang tên nhà cách mạng Trần Quý Kiên bắt đầu từ điểm đầu giao với đường Mai Chí Thọ và điểm cuối giao với đường Nguyễn Thanh Sơn có chiều dài 1.745m, lộ giới 25-30m.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần