Hội chợ quê cuối tuần
Vào hai ngày cuối tuần vừa rồi (26 - 27/1 tức 22 - 23 tháng Chạp), một số khu chung cư đã tổ chức hội chợ Xuân với hàng trăm gian hàng trưng bày đồ Tết, khung cảnh được bài trí mang đậm phong sắc của mùa Xuân miền Bắc. Nhiều gian bán các loại mặt hàng thân thuộc với cuộc sống thường ngày của người dân như bánh chưng, quần áo ấm, giò chả, hoa quả Tết, rượu cần... Thậm chí có những gian hàng bán nước, các loại bánh ăn vặt dân dã mang phong cách chợ quê cho những cư dân ở đây và người dân đến tham quan, mua sắm.Để sở hữu một gian hàng như vậy chỉ mất khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng tiền phí. Nhiều người dân sinh sống tại chung cư không ngần ngại bỏ ra khoản tiền này để mở một gian hàng nho nhỏ, giao lưu cùng các hàng xóm khác. “Tôi cùng hai nhà khác sống cùng một tầng góp tiền nhau mở một gian hàng bán đồ ăn ở hội chợ Xuân. Tết nhất vui là chính, số tiền bỏ ra chẳng đáng là bao, chủ yếu xuống giao lưu cùng các gia đình, cũng tranh thủ xem chợ Tết có những gì để mua sắm không” - chị Thanh Chính, cư dân chung cư An Sinh (khu đô thị Mỹ Đình 1) chia sẻ.Đại diện Ban tổ chức hội chợ Xuân tại chung cư cho biết: "Chúng tôi tổ chức hội chợ để người dân ở chung cư có thêm cơ hội giao lưu, thân thiết với nhau hơn, cảm nhận không khí Tết đã về. Ngoài ra, đây cũng là một cách để mọi người thấy được văn hóa chung cư đang dần phát triển, phục vụ nhiều hơn cho lợi ích của những người sinh sống tại chung cư".Ngoài việc tổ chức hội chợ, nhiều khu chung cư đã tổ chức gói bánh chưng tập thể cùng ăn Tết. Tại chung cư An Phú (Hà Đông), hoạt động gói bánh chưng được đông đảo cư dân ủng hộ và tham gia. Thực tế, hầu hết những gia đình sinh sống tại các khu chưng cư thường là các vợ chồng trẻ hay bận rộn công việc. Vì thế, việc gói bánh chưng sẽ ít nhiều giúp những người dân ở đây sống lại những kỷ niệm, tập tục ngày Tết, đặc biệt là giúp thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn về ngày Tết truyền thống.Liên hoan Tất niên xôm tụHoạt động chung vui không thể thiếu của các cư dân chung cư chính là liên hoan Tất niên cuối năm. Một số chung cư như: Tòa nhà chung cư Xuân Phương Quốc hội trên đường Trần Hữu Dực, Phúc Diễn, Nam Từ Liêm; chung cư CT1, CT2, HH1 và HH2 tổ dân phố số 49 Yên Hòa, Cầu Giấy… tổ chức liên hoan cho người dân bằng cách dựng rạp ngay dưới chân tòa nhà, các gia đình đặt món và sửa soạn ăn uống. Thành viên Ban tổ chức bữa liên hoan - Đặng Hợp (Tòa nhà chung cư Xuân Phương Quốc hội) cho biết: “Khu chung cư mới được hình thành, nhiều hộ gia đình chưa biết nhau.Do đó, bữa liên hoan cuối năm là dịp để giao lưu, để người ở chung cư cũng có “tình làng nghĩa xóm” như các cụ ta ngày xưa. Tuy nhiên, không chỉ năm nay, mà các năm tiếp theo chúng tôi sẽ duy trì các bữa liên hoan cuối năm như thế này”.Cũng có nhiều gia đình quyết định tổ chức Tất niên ngay tại chỗ, từng tầng một tụ họp lại với nhau và mở tiệc mặn, tiệc ngọt tùy theo sở thích. Tại chung cư DreamTown (Nam Từ Liêm), các tầng tổ chức nấu ăn liên hoan, vừa tiễn biệt năm cũ, vừa cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam trong trận đấu với Nhật Bản tại Asian Cup 2019.Nói về văn hóa sống ở chung cư, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng: Ở Hà Nội, các khu đô thị hay còn gọi là khu chung cư mới hình thành hơn 30 năm nay nhưng chưa có một tiêu chí cụ thể nào trong việc xây dựng văn hóa khu chung cư. Ủng hộ việc xây dựng các sinh hoạt cộng đồng, tăng tính đoàn kết ở các khu chung cư, nhưng mặt khác KTS Phạm Thanh Tùng cũng mong muốn có sự tham gia của các cơ quan quản lý để hoạt động không mang tính tự phát, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt riêng của các hộ gia đình.