Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức hòa nhập sau khi mở cửa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt vụ phạm tội xảy ra vào đêm giao thừa tại Cologne đã đặt ra không chỉ thách thức về mặt an ninh đối với nước Đức mà còn đặt ra một câu hỏi lớn hơn: Liệu người di cư có hòa nhập được với “ngôi nhà mới”?

Không chỉ vậy, đây cũng là câu hỏi đối với chính sách tự do đi lại giữa các nước thành viên EU khi dấu vân tay của nghi phạm vụ thảm sát Paris đã được phát hiện tại Bỉ.
Phụ nữ Đức nhận hoa từ Hội  Đức - Tunisia ngay sau hàng loạt  vụ tấn công  tại TP Cologne.
Phụ nữ Đức nhận hoa từ Hội Đức - Tunisia ngay sau hàng loạt vụ tấn công tại TP Cologne.
Nước Đức đang phải vật lộn với hàng loạt vụ tấn công phụ nữ vào đêm giao thừa và thông tin nghi phạm thực hiện các vụ này là người di cư. Trước đó, có đến hơn 100 vụ tội phạm tấn công xảy ra trong đêm giao thừa, trong đó có nhiều vụ liên quan đến tấn công tình dục, đã được báo cáo với cảnh sát Cologne. 

Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình vào cuối tuần nhằm kêu gọi giới chức hành động. Một số tức giận với cảnh sát vì cho rằng cơ quan chức năng đã không thể ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công. Một số cuộc biểu tình nhằm phản đối người di cư. Cảnh sát cho biết, 18 nghi phạm là người di cư liên quan đến tội trộm cắp, nhưng không ghi nhận trường hợp người di cư phạm tội tấn công tình dục.

Tuy nhiên, thông tin này chưa đủ để làm an lòng những người phản đối chính sách mở cửa với người di cư của Thủ tướng Merkel. Nhiều người biểu tình đã có những phát ngôn kỳ thị đối với người di cư. Một người hét to: “Hồi giáo là bệnh ung thư”, trong khi những người khác gọi tất cả người di cư là kẻ hiếp dâm.

Sau các thông tin này, Chính phủ Đức đã phải cân nhắc thay đổi luật pháp nhằm trục xuất những người di cư đã thực hiện các hành vi phạm tội trong một loạt các vụ tấn công tình dục và tội phạm tại Cologne. Theo luật pháp hiện hành của Đức, người xin tị nạn sẽ bị từ chối nếu bị lãnh án ít nhất 3 năm. Nhưng theo đề xuất mới, những người đang chịu án treo cũng sẽ bị trục xuất. 

Tuy thế, thách thức của bà Merkel là thuyết phục người dân rằng người đứng đầu đất nước sẽ có một kế hoạch dài hạn khi chính sách mở cửa của bà hứng chịu sự phản đối mạnh mẽ, nhất là sau một loạt các vụ tấn công trong đêm giao thừa.

Dù bà Merkel đã tuyên bố có thể xoay xở được về mặt hậu cần, nhưng hòa nhập lâu dài nhóm người theo dự tính đạt tới 1% tổng dân số, hầu hết theo những tôn giáo khác nhau là một thách thức không hề nhỏ. Những người Hồi giáo nhập cư không dễ có thể hòa nhập vào xã hội châu Âu và vụ tấn công ở Cologne khiến bà Merkel đứng trước áp lực rất lớn.

Monica Payen - một người biểu tình lo ngại, các chính trị gia đã thất bại trong việc tiên lượng được hết những khó khăn của một số lượng kỷ lục những người di cư mới đến trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Những người khác đề xuất các khóa học tiếng Đức tốt hơn, tiếp cận nhiều hơn và một cuộc thảo luận thẳng thắn hơn về những khác biệt văn hóa giữa xã hội của người di cư và “ngôi nhà mới” của họ.

Mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, nhiều người Đức vẫn khẳng định quyết tâm thực hiện trách nhiệm nhân đạo, ủng hộ việc tiếp nhận người di cư. Bettina Sattler - một nghệ sĩ violin tham gia cuộc biểu tình cho biết, cô phản đối việc các nhóm cánh hữu nhân danh quyền của phụ nữ để thúc đẩy một chương trình chống lại người di cư. "Tất nhiên, việc buộc người di cư ra đi đơn giản hơn việc suy nghĩ về một giải pháp" - cô nói.

Bên cạnh những cuộc biểu tình phản đối người di cư, một cuộc biểu tình khác kéo dài trong vài giờ cũng được tổ chức. Nhiều người giương cao biểu ngữ “Người di cư được chào đón ở đây".