Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức lên sàn ngoại

Hữu Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, chia sẻ với một hãng thông tấn nước ngoài, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO VietJet Air cho biết, hãng hàng không giá rẻ này đang đàm phán để trở thành DN Việt Nam đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) nước ngoài.

VietJet Air không phải là DN Việt đầu tiên bày tỏ hy vọng muốn niêm yết trên sàn quốc tế. Trước đó, đã có rất nhiều DN trong nước đặt ra chiến lược lên sàn chứng khoán quốc tế cho mình. Mặc dù biết việc niêm yết trên TTCK nước ngoài giúp tiếp cận nhiều nguồn vốn và mở rộng nhà đầu tư nhưng đến nay, DN trong nước vẫn đành lỡ hẹn với nhiều lý do khác nhau.

Bởi để niêm yết thành công trên sàn ngoại, các DN Việt sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên là các vướng mắc pháp lý, trong đó có quy định khắt khe về tỉ lệ sở hữu trần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một DN trong nước. Tiếp đến là những vấn đề sổ sách kế toán. Các DN trong nước hiện đang áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), trong khi niêm yết trên các thị trường ngoại đòi hỏi phải áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Việc chuyển đổi sổ sách kế toán từ VAS sang IFRS rất tốn kém và không phải DN nào cũng có thể thực hiện được bởi những quy định chặt chẽ về kiểm soát rủi ro. Điều này có thể sẽ khiến DN phải hạch toán thêm các khoản chi phí mà trước đây không được tính đến, trong khi phải giảm trừ doanh thu từ một số khoản mục như đánh giá lại tài sản. Điều này có thể làm thay đổi bức tranh lợi nhuận của DN. Đó còn là chi phí tuân thủ các quy định sau niêm yết, chi phí nguồn nhân lực để cải thiện bộ máy quản trị, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư thế giới.

Ngoài việc khó về các thủ tục pháp lý thì việc chuyển ngoại tệ ra khỏi Việt Nam khó khăn với cả cá nhân và DN do nguồn dự trữ ngoại tệ của trong nước còn eo hẹp và những quy định pháp luật về ngoại hối. Điều này dẫn đến việc, nhà đầu tư nước ngoài đặt mua chứng khoán không thể chuyển tiền giao dịch vào tài khoản của tổ chức phát hành Việt Nam, nếu ngân hàng phục vụ tổ chức này không có chi nhánh, hoặc văn phòng giao dịch đặt tại quốc gia niêm yết. Chưa kể, TTCK nước ngoài cho phép giao dịch liên tục, mua bán sau một vài phút (chứ không phải vài giờ), cho bán khống, phái sinh...

Thực tế trên cho thấy để DN trong nước niêm yết được trên TTCK nước ngoài còn rất nhiều việc phải làm. Và nếu không sớm có những giải pháp cụ thể thì nhiều DN, dù mong muốn niêm yết tại TTCK nước ngoài, nhưng vẫn sẽ đành lỡ hẹn.