Theo đó, hình ảnh chặt đầu phóng viên Mỹ Steven Sotloff (31 tuổi) đã được tung lên mạng hôm 2/9 (theo giờ địa phương) với cảnh báo về cái giá mà Washington phải trả khi tấn công lực lượng này.
Trước đó, IS đã gieo rắc nỗi sợ hãi khi thực hiện các cuộc tấn công táo tợn, giết hại hàng ngàn dân thường Iraq, IS tiếp tục vươn dài tầm ảnh hưởng tới các quốc gia khu vực Trung Đông như Syria, Libya… tạo ra nguy cơ về một vòng xoáy bạo lực mới. Các cuộc giao tranh dữ dội giữa lực lượng quân đội Syria và IS kéo dài vào nửa cuối tháng 8 đã khiến hơn 170 binh sĩ và khoảng 346 phiến quân IS thiệt mạng Trong khi quân đội Syria đang tập hợp lực lượng để tiếp tục tấn công truy quét các băng nhóm khủng bố, các phiến quân đã bắn đạn ăn mừng sau khi giành được căn cứ Tabqa. Tình cảnh trớ trêu này cho thấy sự nổi dậy mạnh mẽ của IS ở khắp miền Bắc Iraq và vùng Đông Bắc Syria là hồi chuông cảnh báo không chỉ với chính quyền Baghdad, Damascus mà cả với các nước phương Tây.
Bất chấp làn sóng phản đối từ các tổ chức quốc tế hàng đầu và các cường quốc, IS dường như đang muốn chứng minh cho toàn thế giới thấy tổ chức này có thể tấn công được mọi mục tiêu trên toàn cầu khi các chân rết của lực lượng này xuất hiện ở khắp nơi. Đặc biệt, điều mà dư luận lo ngại là hàng ngàn người phương Tây đã gia nhập tổ chức này, sẵn sàng thực hiện những mệnh lệnh của thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan. Điều này khiến Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân - tướng Martin Dempsey cho rằng, IS sẽ sớm trở thành mối đe dọa an ninh không chỉ đối với Mỹ mà nhiều nước khác, trong đó có các nước châu Âu. Ông Dempsey nhấn mạnh, việc hình thành "một liên minh quốc tế gồm các đối tác châu Âu và khu vực Trung Đông" để chống lại IS là cần thiết. Hiện một loat nước trong Liên minh châu Âu, Australia, Anh… đã quyết định sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến này.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, sự lớn mạnh của IS là do các thể chế nhà nước Trung Đông trở nên yếu ớt hơn bao giờ hết khi mà các giới chức truyền thống, dù là các nhà nước quân chủ lâu đời hay các giới chức thế tục, dường như ngày càng mất khả năng chăm lo cho người dân, dẫn đến nguy cơ phân rã các Nhà nuớc Ả Rập. Khi quân đội Ai Cập tiến hành cuộc chính biến hồi năm ngoái, rất nhiều người Ai Cập đi theo phong trào Mùa xuân Ả Rập đã tỏ ý bằng lòng. Tuy nhiên, dù Ai Cập tiếp tục giữ được vị thế quốc gia mạnh trong khu vực thì xã hội đã bị tan rã, chia cắt và sẽ phải mất nhiều năm để hồi phục. Một số nhà nước khác thậm chí ít may mắn hơn. Sự sụp đổ của thể chế độc tài Muammar Gadhafi tại Libya đã mở đường cho chủ nghĩa bộ tộc Bedouin phát triển, một cộng đồng vốn rất khó khăn để hòa nhập vào một chính thể nhà nước tại Libya. Trong khi đó, Yemen cũng sôi sục trong vòng vây của lòng hận thù sắc tộc và tình hình giáo phái đặt ra các thách thức đối với sự thống nhất quốc gia. Đặc biệt là Syria, đất nước này dường như sẽ không bao giờ có thể tái thiết được để trở lại thành một quốc gia thống nhất trong bối cảnh tồn tại sự chia rẽ sâu sắc giữa các giáo phái dòng Sunni, Alawite, Kurd, Thiên Chúa giáo và nhiều giáo phái khác.
Thách thức mang tên IS này đòi hỏi các quốc gia phương Tây phải có một chính sách tiếp cận toàn diện, rộng mở hơn. Theo đó, cần phải tính tới sự phối hợp của khu vực Trung Đông - Bắc Phi và không cố tình quên đi sự liên quan ở mức độ nào đó của những thay đổi đang làm suy yếu các thể chế nhà nước, trong đó, Mỹ cần phải xem lại cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria và Iraq.
Phóng viên ảnh người Mỹ James Foley trong một lần tác nghiệp.
|