Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức nguy hại hơn đe dọa

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những vụ đánh bom đồng thời xảy ra vừa rồi ở một số trung tâm du lịch của Thái Lan đã đẩy chính phủ nước này vào tình thế khó khăn, khó xử và khó ăn - nói.

Được cho là đánh bom khủng bố nhưng lại thật khó có thể xác định danh tính của thủ phạm. Thực tế, ở  miền Nam Thái Lan vẫn dai dẳng cuộc xung đột mang tính sắc tộc và tôn giáo mà cụ thể là đạo Hồi.

Nhưng người theo đạo Hồi ở khu vực miền Nam của Thái Lan lâu nay chỉ chống đối và xung khắc tại chính địa phương chứ không chủ trương lây lan xung đột ra cả những vùng miền khác và hoàn toàn không muốn để bị coi là khủng bố. Nếu những vụ việc này là khủng bố thì thủ phạm đã nhập cảnh từ bên ngoài vào Thái Lan hoặc mức độ cực đoan hóa trong nội bộ xã hội đã đạt tới mức độ báo động. Như thế chẳng khác gì thù trong giặc ngoài đối với an ninh và ổn định ở Thái Lan và vô cùng tai hại đối với Chính phủ và giới quân sự đứng đằng sau chính phủ ở nước này, bởi vừa ngầm lại vừa công khai biểu hiện chính phủ và giới quân sự đã không thành công trong việc đảm bảo an ninh và ổn định, ngăn ngừa và đối phó hiệu quả nguy cơ khủng bố.

 Nếu đây không phải là những hoạt động khủng bố thì chỉ có thể là những hoạt động nhằm thẳng vào giới quân sự và chính phủ hiện tại ở Thái Lan. Nếu như vậy thì các vụ đánh bom này có liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý vừa qua về bản hiến pháp mới, đi từ gây tổn hại cho ngành du lịch đến uy tín của Chính phủ ở nước này. Thông điệp từ những hành động chống đối này là chính phủ và giới quân sự ở Thái Lan chưa xử lý ổn thỏa những vấn đề xã hội và vấn đề quyền lực cũng chưa phải đã được giải quyết ổn thỏa với lộ trình dân chủ hóa được giới quân sự đưa ra.

 Hai năm sau khi tiến hành đảo chính và trực tiếp nắm quyền, giới quân sự ở Thái Lan đã có được vị thế quyền lực vững chắc hơn bao giờ hết. Bản hiến pháp vừa được thông qua bằng trưng cầu dân ý không chỉ củng cố mà còn đảm bảo duy trì vị thế quyền lực ấy cho giới quân sự cả trong thời gian tới. Có thể thấy giới quân sự ở Thái Lan không phải trực diện với nguy cơ quyền lực bị đe dọa thực sự. Tất cả các mối đe dọa từ phía các đảng phái chính trị và xã hội dân sự đều đã được giới quân sự vô hiệu hóa.

 Nhưng thách thức quyền lực của giới quân sự và Chính phủ Thái Lan không phải là đã hết, thậm chí còn đã tăng lên với những vụ đánh bom vừa qua. Thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài, đa dạng chứ không chỉ mang tính chính trị thuần tuý, có thể dai dẳng lâu dài chứ không chỉ có nhất thời, dễ lây an trong dân chúng và giới quán sự khó đối phó. Vì thế, nó nguy hại hơn cả những mối đe dọa đối với quyền lực của giới quân sự ở Thái Lan.