Thách thức từ biến đổi khí hậu

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nghiên cứu, nền kinh tế nền của các quốc gia giàu có sẽ suy giảm gấp đôi so với thời kỳ khủng hoảng Covid-19 nếu họ không xử lý được lượng phát thải đang gia tăng.

Các nước G7 - những nền kinh tế công nghiệp phát triển lớn nhất thế giới - sẽ thiệt hại 8,5% GDP/năm, tương đương gần 5 tỷ USD, trong vòng 30 năm tới nếu nhiệt độ trung bình thế giới tăng 2,6 độ C, theo nghiên cứu từ Oxfam và Viện Swiss Re. Trong khi đó, 4,2% là con số suy giảm của các nền kinh tế G7 trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Như vậy, thiệt hại kinh tế từ cuộc khủng hoảng khí hậu vào năm 2050 sẽ gần gấp đôi quy mô của cuộc khủng hoảng vì đại dịch. Cụ thể, Vương quốc Anh sẽ suy giảm 6,5%/năm vào năm 2050 theo các chính sách và dự báo hiện tại. Các quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn như nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ suy giảm 25% nếu nền nhiệt tăng 2,6 độ C, trong khi Australia sẽ bị mất 12,5% sản lượng và Hàn Quốc sẽ thiệt hại 10% GDP.

Mô hình rủi ro của Viện Swiss Re đã tính đến các dự báo tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, bao gồm thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt, cũng như ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, sức lao động... Jerome Haegeli - nhà kinh tế trưởng của nhóm nghiên cứu tại Swiss Re cho biết: “Biến đổi khí hậu là rủi ro số một trong dài hạn đối với nền kinh tế toàn cầu và chúng ta không có lựa chọn nào. Chúng ta cần G7 tiến bộ hơn nữa. G7 không chỉ có nghĩa vụ cắt giảm khí thải nhà kính mà cần hỗ trợ các nước đang phát triển”.

Nhà kinh tế trưởng của Swiss Re cũng cho biết, vaccine Covid-19 là lối thoát quan trọng để giúp các nước đang phát triển ứng phó với đại dịch Covid-19. Nhưng sau đó, các nước này cũng cần được giúp đỡ để phục hồi theo con đường xanh. Theo nhóm nghiên cứu, chính sách và cam kết của các chính phủ nhằm giảm phát thải khí nhà kính vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu của thỏa thuận Paris.