Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thám hiểm “địa đạo” giữa lòng Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chúng tôi khởi đầu cuộc thám hiểm "địa đạo" phố cổ Hà Nội ở phố Hàng Ngang.

KTĐT - Chúng tôi khởi đầu cuộc thám hiểm "địa đạo" phố cổ Hà Nội ở phố Hàng Ngang. Lúc đầu nghe qua chuyện có một loạt đường "ngầm" luồn từ phố này sang phố nọ chúng tôi không mấy ai tin lắm.

Chỉ cần 10 phút quanh co trong hầm tối, bước qua cánh cửa, đã bước sang một phố mới như trong… chuyện Đô rê mon. Có một “địa đạo” giữa phố cổ tồn tại đến trăm năm qua nhưng chắc hẳn nhiều người chưa đặt chân đến.

Thám hiểm “địa đạo”

 

Chúng tôi khởi đầu cuộc thám hiểm "địa đạo" phố cổ Hà Nội ở phố Hàng Ngang. Lúc đầu nghe qua chuyện có một loạt đường "ngầm" luồn từ phố này sang phố nọ chúng tôi không mấy ai tin lắm. Nhất là khi lại bước chân đến phố Hàng Đường, Hàng Ngang (nơi được cho là còn giữ được nhiều "địa đạo nổi") lại đập vào mắt là những cửa hàng buôn bán san sát nhau. Phía sau những cửa hàng này là "hệ thống" nhà tầng kiên cố đã bạc màu thời gian như dính liền với nhau. Không ngờ rằng ở cái không gian chật chội đó lại tồn tại những đường đi tắt mà khi đặt chân bước vào để "thám hiểm" chúng tôi mới khám phá ra nhiều điều thú vị.

 

Số nhà 55 Hàng Ngang là một lối đi hẹp đến mức nếu không chú ý kỹ người ta dễ lầm tưởng đó chỉ là khoảng không làm ranh giới giữa hai căn nhà. Cũng ít ai biết rằng phía trong số nhà 55 đó có hàng chục hộ dân cư sinh sống. Lối đi đã thấp và hẹp lại được chắn ngang bởi một quán trà đá. Để vượt qua được quán trà mà bước vào địa đạo tối om om đó chúng tôi phải trả lời hàng loạt câu thắc mắc của vị chủ quán "Vào đấy hỏi tìm ai?", "Không biết đường đừng vào!"... Nghiệm ra rằng con ngõ này chỉ được dùng riêng cho người "bản địa", khách lạ không được khuyến khích đi vào cho dù thực ra con ngõ này và những ngõ khác tương tự như ở đây đều là lối đi công cộng.

 

Bước chân vào ngõ sâu hoắm là cảm giác lành lạnh. Lạnh bởi lối đi vừa hẹp vừa tối. Hẹp đến mức chỉ với tay là đến trần, rộng không quá một cánh tay. Ngõ ngách ngoằn nghèo đến mức khó có thể hình dung được. Con ngõ ngày tối đến mức, người ta phải thắp bóng điện suốt 24/24 giờ. Những chỗ ánh sáng của đèn điện không phủ đến thì chúng tôi phải bật điện thoại lên để... soi đường. Thật bất ngờ khi hai bên ngõ này là... nhà ở. Bước qua những căn hộ đó với ánh mắt săm soi, chúng tôi lờ đi thái độ của những "chủ nhà" không hiếu khách, để bước lên những bậc thang gỗ ọp ẹp lên tầng hai. Lòng vòng qua những ô cửa tối, bé, lại đi xuống một chiếc cầu thang khác hun hút cuối số nhà đi sang ngõ Nội Miếu. Chúng tôi không ai có thể giấu nổi sự ngạc nhiên đến lạ lùng khi đang ở chỗ này rồi bỗng chốc lại sang nơi khác chỉ qua mấy khu cầu thang gỗ.

 

Hành trình tiếp theo, là các ngõ sâu hút của phố Hàng Buồm. Mới đầu nhìn, ai cũng nghĩ chỉ có một hộ gia đình ở, nhưng không phải vậy. Bên trong căn hộ này, còn rất nhiều gia đình khác sinh sống hàng chục thậm chí hàng trăm năm rồi. Những căn nhà được chia đều thò ra, thụt vào nằm san sát nhau trong cùng một số nhà. Lòng vòng qua chúng, lên xuống những chỗ tối đen như mực, ngoằn ngoèo, mọi người lại thấy ngay phố Hàng Đường qua ánh đèn của một cửa hàng sáng đèn phía cuối đầu kia.

 

Hoàng, một tay thạo 36 phố phường trong lòng bàn tay, nhà ở Hàng Cá kể cho tôi biết rằng, trước đây quanh những phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Bồ... những đường đi thông từ nhà này sang nhà khác, từ phố nọ sang phố kia như vậy nhiều đến mức người lạ đi vào dễ lạc như chơi.

 

Những năm của thế kỷ trước, khi phố phường vẫn thưa thớt, cửa hàng ít, bách hóa nhiều, trẻ con vẫn chơi trốn tìm qua các ngõ sâu, các số nhà hun hút, bí ẩn như vậy. Trước đây, số nhà 53 Hàng Ngang, tầng một là bách hóa, số nhà 25 là một xưởng may lớn, số nhà 47 Hàng Đường dài thông sang cả Hàng Buồm; hay như bên phố Hàng Bạc có nhà số 86, 92 và 102 đi được sang ngõ Hài Tượng (giờ chúng bị lấp bằng nhà ở). Đến ngày hôm nay, đường luồn vẫn còn và khiến bất kỳ ai khi bước vào khám phá đều cảm thấy bỡ ngỡ - ngay trong lòng những căn nhà yên bình, cổ kính còn lưu giữ nét đặc sắc của mảnh hồn in dấu mãi với thời gian.
 
Ảnh minh họa
Ngõ 53 và 55 Hàng Ngang là hai lối vào "địa đạo".

 

Cuộc sống trong ngõ tối

 

Khó có thể hình dung được rằng phía trong những ngõ phố tối thui đó lại thông với nhau đến chằng chịt như mạng nhện. Nơi đó là đất sinh sống của hàng chục, hàng trăm hộ dân cư thuộc phố cổ bao đời nay. Cuộc sống phía trong những ngõ tối thật nhiều điều khác biệt.

Cụ ông Nguyễn Đăng Kỷ, năm nay đã quá tuổi "xưa nay hiếm", sống trên một căn gác cũ kỹ ở trong ngõ Nội Miếu cho biết những "công dân" sống trong "địa đạo nổi" này quanh năm không nhìn thấy ánh mặt trời nếu không bước chân ra khỏi ngõ. Quả thật, những người đã quá tuổi hưu như ông Kỷ có việc gì cần lắm mới ra phố, còn lại phần lớn thời gian sống trong nhà, lúc bức bí chỉ dạo trong ngõ. Tất nhiên, nếu không nhìn đồng hồ thì khó mà biết được buổi sáng hay chiều, thậm chí theo lời ông kể có những lúc không để ý rất dễ nhầm ngày sang đêm và ngược lại. Chuyện thật kể nghe như đùa, ai không tin thì một lần thử viếng thăm những "địa đạo" này.

 

Ông Kỷ cho biết rằng tuy những "địa đạo" này là "đường của xã hội" nhưng thoáng nhìn qua thái độ những người dân ở đây thì ngầm hiểu rằng con ngõ này sinh ra để dành riêng cho họ. "Thấy người lạ, lập tức người ta nhìn ngó theo dõi. Trước đây, lợi dụng những ngõ tối như thế này, bọn nghiện thường xuyên nhảy vào chích hút, khiến nhiều người đi qua giật mình kinh hãi. Để khắc phục tình trạng trên người ta thắp sáng các ngõ này nhưng cũng có những lối đi, ánh sáng còn chưa đến nơi. Với lại, người lạ đường lớn người ta đi, mấy ai lại chui vào những cái ngõ tối om trông phía ngoài tưởng ngõ cụt làm gì" -ông Kỷ lý giải.

 

Theo các bậc cao niên ở đây cho biết, thời niên thiếu của các cụ, quanh ngõ nơi đây, người Hoa vẫn ở chung với người Việt. Cả phố có rất đông dãy nhà thổ dành cho cả quan Tây, quan Nhật và mấy ông Phán, ông Ký, Huyện. Họ ra vào nơi này tấp nập như một cái chợ để chơi bời. Dạo đó, hễ nhìn thấy trẻ con trong ngõ, đám lính liền bạt tai, đá đít, hoặc trêu ghẹo phụ nữ. Những lần họ quấy phá, bà con cứ phải dùng các vật dụng là xoong nồi gõ ầm ĩ đuổi đi.

 

Ông Kỷ bật mí, ngõ Nội Miếu trước đây không chỉ thông sang phố Hàng Đường mà còn thông sang hẳn một ngõ lớn đi ra ngay giữa phố Hàng Bạc, song về sau dân cư sinh sống đông đúc nên đã lấn ra bịt kín lại. Phố cổ nay đã có nhiều đổi khác so với xưa, tuy nhiên những ngõ nhỏ nối liền phố này với phố khác vẫn còn đó.

 

Ngoài nét văn hóa đình chùa, còn lại là yếu tố phường hội. Điều này đã tạo nên tập quán xây nhà hình ống dài, sâu và có cổng sau hướng ra sông. Về sau này, do yếu tố lịch sử, những ngôi nhà một chủ đó trở thành nhà của nhiều người. Muốn đi qua nhà này phải đi qua nhà khác. Nhà dài và nhiều chủ, nên người ta chia nhỏ ra và mới có chuyện còn lại những con đường luồn ngay trong lòng phố cổ như vậy.