KTĐT - Trong báo cáo nhan đề "Những hiểm họa toàn cầu năm 2011" tập hợp ý kiến của hơn 50 chuyên gia, 580 lãnh đạo doanh nghiệp,…Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã nhận định thâm hụt tài chính thúc đẩy vỡ nợ dây chuyền vẫn là một trong những hiểm họa lớn nhất đe dọa kinh tế toàn cầu trong năm 2011.
Sau khi phân tích tình hình thế giới trong 10 năm, WEF kết luận cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 3 năm qua đã làm cạn kiệt các nguồn tài lực cần thiết để các nước có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng mới...
Thâm thủng ngân sách tại Mỹ, thu không đủ chi đã kéo dài trong 27 tháng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng nếu không tăng giới hạn nợ, có thể xuất hiện "một thảm họa" như cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Đặc biệt, riêng năm 2010, thâm hụt ngân sách của Mỹ là 1,7 nghìn tỷ USD và mức thâm hụt ngân sách hàng năm đã làm tăng nợ quốc gia thêm 4 tỷ USD một ngày. Hiện, nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới hơn 14 nghìn tỷ USD, mức nợ quốc gia cao nhất từ trước tới nay của Mỹ. Trên thực tế, cứ tiêu 1 USD thì nước Mỹ phải đi vay 40 cent khiến Đảng Cộng hòa cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Hạ viện trong năm tới là ngăn chặn thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, nếu Chính phủ thực hiện các biện pháp mạnh tay để thắt chặt chi tiêu sẽ cắt đứt quá trình phục hồi kinh tế vốn đã rất mong manh.
Sau một tháng cảnh báo, hãng xếp hạng tín dụng Fitch vừa hạ mức tín nhiệm của Hy Lạp từ mức BBB- xuống mức BB+ (thuộc dạng đầu cơ-không an toàn để đầu tư). Fitch nhấn mạnh ngay cả khi kế hoạch cắt giảm ngân sách và phát hành trái phiếu thuận lợi, tổng nợ Chính phủ của Hy Lạp vẫn tăng gần 160% GDP và các khoản thanh toán lãi suất sẽ tăng 20% vào năm 2014.
Tại châu Á, Nhật Bản cũng phải đối mặt với áp lực tăng nguồn thu cho Chính phủ bằng cách tăng thuế kinh doanh, thuế tiêu dùng và phát hành trái phiếu. Bộ Tài chính dự kiến sẽ bán 44,3 nghìn tỷ Yên (536 tỷ USD) trái phiếu mới, trong khi hy vọng sẽ thu được khoảng 41 nghìn tỷ Yên tiền thuế trong năm tài khóa mới bắt đầu từ 1/4. Hiện, nợ công của Nhật Bản năm 2011 được thiết lập để vượt quá hai lần kích thước của nền kinh tế năm nay và đạt 210% GDP vào năm 2012.
Để giải quyết hiểm họa thâm hụt ngân sách, WEF kêu gọi tăng cường hợp tác và hành động chung giữa các nhà lãnh đạo chính trị và lãnh đạo kinh doanh toàn cầu. Tổng Giám đốc kinh doanh của WEF Robert Greenhill nhấn mạnh thế giới cần các hệ thống mới để xác định và giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách trước khi nó trở thành khủng hoảng toàn cầu.