Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thảm kịch của dân cư dãy Himalayas khi trái đất nóng lên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những báo cáo từ thị trấn Leh cho thấy lượng mưa đã giảm một cách đáng kể trong vòng một phần tư thế kỷ qua do nhiệt độ tăng lên, có lẽ là kết quả của sự biến đổi khí hậu.

KTĐT - Những báo cáo từ thị trấn Leh cho thấy lượng mưa đã giảm một cách đáng kể trong vòng một phần tư thế kỷ qua do nhiệt độ tăng lên, có lẽ là kết quả của sự biến đổi khí hậu.

Trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh bàn về vấn đề môi trường, đặc biệt là quá trình biến đổi khí hậu sắp diễn ra tại Copenhagen ngày 7.12 tới, tờ Time Magazine đã cho đăng tải một loạt các bài nghiên cứu liên quan đến vấn đề này. Dưới đây là một bài viết trong số đó.

Đường tới con đèo Khardung La bắt đầu từ thị trấn Leh của Ấn Độ nằm ở phía rìa Tây Bắc của dãy Himalayas. Chiếc xe tải xóc long sòng sọc trên con dốc rải đầy đá. Đây là con đèo lên núi cao nhất trên thế giới mà ôtô có thể đi được – cao hơn 18.000 feet trên mặt nước biển. Không khí ở đây loãng đến mức mà chỉ cần đứng vài phút là bạn sẽ cảm thấy đầu mình nhẹ như một quả bóng bay. Syed Iqbal Hasnain - nhà nghiên cứu  về những tảng băng trôi người Ấn Độ, năm nay đã 65 tuổi, nhảy ra khỏi xe một cách nhẹ nhàng và bước về phía cuối đoạn đèo.

“Đá ở đây phủ đầy tuyết nhưng có lẽ vài năm sau, sẽ không còn nhiều tuyết như thế nữa”, ông nói.

Những báo cáo từ thị trấn Leh cho thấy lượng mưa đã giảm một cách đáng kể trong vòng một phần tư thế kỷ qua do nhiệt độ tăng lên, có lẽ là kết quả của sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự nằm ở trung tâm của dãy Himalayas và cao nguyên Tây Tạng rộng lớn – nơi có đến hơn 40.000 m2 tảng sông băng bao phủ, chỉ đứng sau Bắc cực và Nam cực. “Những tảng băng này là sự sống cho cả khu vực. Nếu chúng tôi không còn tuyết và băng nữa, mọi người sẽ chết”, Hasnain nói.

Các nhà khoa học gọi đây là cực băng thứ 3 của thế giới. Nhưng nếu xét về nguy cơ gặp phải khi trái đất nóng lên, thì nó đứng đầu danh sách nguy hiểm. Những tảng băng đây – khu vực bao trùm cả Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bhutan và Trung Quốc – được coi là tòa thác nước của châu Á. Khi băng và tuyết tan vào mùa xuân, chúng làm hồi sinh các con sông lớn trong khu vực như Ganges, Indus, Brahmaputra, Mekong, Hoàng Hà và Dương Tử. Đến lượt mình, các dòng sông này cung cấp nguồn sống cho hơn 3 tỷ người - một nửa dân số thế giới. Chính nhờ nguồn nước từ chảy từ dãy Himalayas mà các con sông lớn được hình thành và tạo điều kiện cho những cái nôi văn minh nhân loại ra đời.

Shubash Lohani, nhân viên cấp cao của chương trình Nepal thuộc Quỹ động vật hoang dã (WWF) nói, “Không giống như Bắc và Nam cực, khu vực dãy Himalayas có vai trò sống còn vì có hàng tỷ người sống ở khu vực hạ lưu phụ thuộc vào nó”.

Kể cả khi băng tuyết còn thì vẫn có một lượng lớn dân số đang sống thiếu nước. Theo Viện Quản lý nước Quốc tế (IWMI), phần lớn Nam Á đang lâm vào tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt, đặc biệt là Trung Quốc. Trong khi đó, dân số ở khu vực này lại đang có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng kinh tế cũng khiến cho tình hình xấu đi vì nước sinh hoạt phải cạnh tranh với nhu cầu nước cho nông nghiệp và công nghiệp.

Thực tế cho thấy cho dù không chịu tác động của sự biến đổi khí hậu thì vẫn tồn tại một khoảng cách lớn giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng nước ở khu vực đông dân nhất thế giới này. Theo một báo cáo mới của tổ chức tư vấn quốc tế McKinsey & Co, thì vào năm 2030, Ấn Độ chỉ có thể cung cấp một nửa nhu cầu như hiện nay. Tuy nhiên, châu Á không phải là châu lục duy nhất phải vật lộn với tình trạng khan hiếm nước. Cũng theo dự đoán của McKinsey thì nếu không có những động thái ngay từ bây giờ, thế giới sẽ chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu nước sinh hoạt vào năm 2030.

“Những nước hiện nay đã hứng chịu tình cảnh thiếu nước sẽ là nơi dễ bị tổn thương nhất vì quá trình biến đổi khí hậu”, Colin Charters, giám đốc của IWMI đưa ra nhận xét.

Điều này khiến cho an ninh của các dòng sông băng ở Himalayas trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và những nguy cơ khiến băng tan cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn. Cho dù không thể đánh giá được tất cả 10.000 tảng băng ở dãy núi này, những nghiên cứu độc lập cho thấy chúng đang tan chảy rất nhanh, mà nguyên nhân gây ra được cho là nhiệt độ tăng lên của Trái đất. Từ năm 1960, gần một phần năm các tảng băng của dãy Himalaya bao phủ diện tích Ấn Độ đã biến mất. Theo bản đánh giá năm 2007 của Ủy Ban Liên quốc gia về Biến đổi khí hậu, các tảng băng ở khu vực này “đang bị nứt vỡ nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Nếu tình trạng trái đất nóng lên không được kiểm soát, hiện tượng này sẽ trở nên tồi tệ hơn. Các nhà khoa học Trung Quốc vừa đưa ra dự đoán rằng sẽ có thêm 43% diện tích băng tan vào năm 2070. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là một thảm họa. Các quốc gia ở vùng núi như Nepal hay Bhutan có thể sẽ hứng chịu những trận lụt bất thường bởi lượng nước từ băng tan chảy. Bên cạnh đó, vì các dòng sông bắt nguồn từ dãy Himalaya chảy qua lãnh thổ các quốc gia vốn nhiều hiềm khích với nhau như Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, một cuộc chiến tranh giành nước sạch là điều không thể tránh khỏi.

Giám đốc trung tâm nghiên cứu cao nguyên Tây Tạng Yao Tandong nhận xét, “Vấn đề Trái đất nóng lên đang ngày càng nghiêm trọng. Và nếu nó vẫn tiếp tục diễn ra không kiểm soát thì khu vực này sẽ phải gánh chịu những thảm họa khó lường”.