Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham nhũng ngày càng tinh vi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả, giải quyết khiếu nại tố cáo còn kéo dài là hai vấn đề được các ĐB Quốc hội xoáy sâu vào khi chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh ngày 12/6.

Tham nhũng bị đẩy lùi hay phát hiện khó hơn?

Xuyên suốt phiên chất vấn, các ĐB Quốc hội liên tiếp "truy" Tổng Thanh tra Chính phủ vì sao tình hình tham nhũng ngày càng tăng. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng), ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Có tình trạng số vụ tham nhũng bị phát hiện, có dấu hiệu hình sự nhưng thanh tra không chuyển hoặc chậm chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý? Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi thẳng: "Tham nhũng bị đẩy lùi hay việc phát hiện tham nhũng ngày càng hạn chế?".
 Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn.     Ảnh: TTXVN
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Nhiều ĐB cũng mong muốn Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá: Các số liệu vụ tiêu cực, tham nhũng bị phát hiện có phản ánh đúng tình hình tham nhũng hiện nay không?Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận rằng "tham nhũng vừa qua chưa được đẩy lùi, diễn biến tinh vi phức tạp cần đấu tranh mạnh mẽ hơn". Trong khi đó, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu ngăn chặn và đẩy lùi; tham nhũng vẫn xảy ra nghiêm trọng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, xử lý tài sản còn thấp. Ngoài ra, thiệt hại gây ra rất lớn nhưng thu hồi, xử lý còn thấp, hiện chỉ chiếm 12% trong số tài sản bị tham nhũng. Tham nhũng vặt xảy ra thường xuyên trong việc tiếp xúc với công dân, doanh nghiệp…. Đây là một thách thức đe dọa sự tồn vong của chế độ, nên ngành luôn coi là nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm đặc biệt và thấy cần thay đổi chế tài mạnh mẽ hơn. Ông Huỳnh Phong Tranh cũng cho biết: Vừa qua, ngành Thanh tra đã tích cực trong việc phát hiện, chuyển cơ quan điều tra, nhưng đúng là chuyển chưa nhiều. Bên cạnh đó, khi chuyển thì tính khả thi của việc điều tra truy tố xét xử cũng chưa đầy đủ lắm, yếu tố cấu thành tội phạm tham nhũng cũng chưa rõ. Vấn đề này, ngành thanh tra sẽ tiếp tục triển khai, quan tâm thực hiện, tích cực chuyển các vụ việc sai phạm tới cơ quan điều tra xử lý. Vừa qua, thanh tra đã chuyển hơn 200 vụ việc (240 người vi phạm) qua cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự, trong đó Thanh tra Chính phủ chuyển hơn 40 vụ.

Tham nhũng diễn ra trong mọi lĩnh vực

Những giải thích của Tổng Thanh tra Chính phủ chưa làm các ĐB yên tâm, ĐB Lê Trọng Sang (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc xử lý cán bộ tham nhũng còn tình trạng "giơ cao đánh khẽ" khiến cử tri rất lo lắng. ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) thì đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ việc, ngoài các vụ án điểm với nhiều "đại gia cá mập" bị đưa ra xét xử, tham nhũng vặt đang xảy ra trong mọi ngõ ngách của xã hội, gây nhức nhối dư luận và hậu quả khó lường. Và mong muốn một lời khẳng định bao giờ giải quyết vấn nạn trầm kha này. Tuy xác nhận, việc này diễn ra trên mọi vĩnh vực quản lý của Nhà nước, nhưng Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ cho biết để phòng ngừa, cần phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ, xử lý cán bộ vi phạm. 

Nhiều ĐB đã đưa ra vấn đề về công tác phòng chống tham nhũng trong chính lực lượng phòng chống tham nhũng cũng chưa đạt yêu cầu. Ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh xử lý cán bộ do bệnh thành tích, trong thời gian tới sẽ tập trung hơn. Và nhận trách nhiệm về hạn chế năng lực, đạo đức cán bộ thanh tra. Trả lời vấn đề ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đưa ra về việc Nhân dân, báo chí phát hiện tham nhũng. Trong khi đó, có những người phải bỏ nhiều tiền để tố giác hành vi tham nhũng, vậy ai bù cho họ? Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Hiện nay, đang xây dựng Thông tư về khen thưởng người tham gia tố giác. Mức khen thưởng tối đa có thể lên tới 10 tỷ đồng, nhưng đây là vấn đề lớn nên sẽ xin ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tăng cường biện pháp hơn nữa. Trong đó, đặc biệt chú ý phòng chống tham nhũng ngay trong chính cơ quan của mình.

 
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong 558 vụ việc khiếu nại kéo dài mà Thanh tra đã giải quyết (năm 2012 - 2013), hầu hết là các vụ khiếu nại phức tạp, có vụ đã kéo dài 30 - 40 năm, liên quan đến chính sách đất đai. Trong số đó, có 12 việc Thanh tra Chính phủ đang thẩm tra rồi giao lại địa phương, 15 vụ thuộc trách nhiệm của bộ, ngành sẽ giao lại bộ, ngành xử lý.