Kinhtedothi - Bê bối tham nhũng của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Sepp Blatter ngày càng phát sinh những tình tiết phức tạp và gây sốc, lần lượt ông Michel Platini, Tổng thư ký Jerome Vackle cũng bị đình chỉ công tác vì những cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Đáng lo ngại, các ứng cử viên sáng giá tiếp quản vị trí của ông Sepp Blatter cũng từng vướng vào nghi án “dính chàm”.
Ngày càng nhiều “ông lớn” có liên quan
Ban đạo đức FIFA vừa đưa ra quyết định đình chỉ công tác đối với “bộ sậu” gồm: Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, Chủ tịch UEFA Michel Platini và Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke trong vòng 90 ngày vì những cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Trước đó, ngày 25/9 vừa qua, Văn phòng Công tố Thụy Sĩ đã mở cuộc điều tra với cáo buộc ông Blatter dính líu tới việc "lót tay" 2 triệu franc Thụy Sĩ trong quỹ của FIFA cho Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini, cũng như có sai phạm trong quản lý bản quyền truyền hình khi móc ngoặc với cựu Chủ tịch LĐBĐ khu vực Caribe, Jack Warner trong năm 2011.
Cụ thể, ông Blatter đã thay mặt FIFA ký hợp đồng bản quyền truyền hình cùng Jack Warner, cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF). Hợp đồng này bị tố là có nhiều điều khoản chống lại lợi ích của FIFA, trong đó bản quyền truyền hình có giá rất thấp.
Số tiền 2 triệu USD ông Michel Platini nhận từ FIFA vào tháng 2/2011 trên danh nghĩa thanh toán tiền thù lao làm cố vấn cho chủ tịch Sepp Blatter cũng bị đặt nghi vấn. Bởi đương kim Chủ tịch UEFA làm cố vấn từ tháng 1/1999 - 6/2002, nghĩa là cựu danh thủ người Pháp bị trả công chậm ngót nghét 10 năm. Nghi vấn được đặt ra là có thể Blatter tung tiền mua phiếu trong vụ bầu cử Chủ tịch FIFA vào năm 2011. Còn Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke cũng nhận án phạt tương tự vì bị tình nghi trục lợi cá nhân thông qua việc bán vé World Cup 2014.
Vấn nạn có “hệ thống”
Trong thời gian bị đình chỉ, cả ba lãnh đạo cấp cao này sẽ không được dính dáng đến bất kỳ hoạt động bóng đá nào. Ông Issa Hayatou - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi, sẽ tạm thời điều hành FIFA thay Sepp Blatter.
Nhưng đáng tiếc, các ứng viên tương lai thay thế vị trí của ông Sepp Blatter đều vướng nghi án “nhúng chàm” và không hề “trong sạch”, khiến dư luận nghi ngại, nạn tham nhũng đã trở thành “truyền thống” của tổ chức này. Theo quy định, người đứng đầu LĐBĐ châu Phi Issa Hayatou sẽ tạm thời điều hành mọi công việc ở FIFA cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử chủ tịch vào tháng 2/2016. Tương tự, Angel Maria Villar Llona sẽ tạm tiếp quản công việc của Michel Platini ở UEFA.
Điều trớ trêu là Villar llona cũng đang bị điều tra bởi chính Tiểu ban Đạo đức của FIFA do thiếu hợp tác trong việc cung cấp thông tin để luật sư Garcia có thể hoàn thành báo cáo về quá trình vận động và bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022. Còn Issa Hayatou, cũng từng bị Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tố cáo nhận hối lộ từ Công ty tiếp thị ISL.
Tương tự, ứng viên Chủ tịch FIFA người Hàn Quốc Chung Mong-joon cũng bị Tiểu ban Đạo đức điều tra và nhiều khả năng sẽ bị áp đặt lệnh đình chỉ mọi hoạt động đến 19 tháng vào cuối tuần này.
Chủ tịch FIFA vướng vào nghi án tham nhũng sau 17 năm cầm quyền.
|
Danh sách các quan chức FIFA "nhúng chàm": 1. Jerome Valcke (Tổng thư ký): Bị đình chỉ mọi hoạt động do liên quan đến vụ nâng giá vé World Cup. 2. Chuck Blazer (Ủy viên BCH): Bị cấm hoạt động bóng đá vĩnh viễn do nhận hối lộ cùng các khoản “lại quả” đổi lấy việc bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 1998 và 2010. 3. Eugenio Figueredo (Phó Chủ tịch điều hành), Jeffrey Webb (Phó Chủ tịch điều hành), Nicolas Leoz (Ủy viên BCH), Eduardo Li (Ủy viên BCH), Jose Maria Marin (Ủy viên BTC World Cup 2014), Julio Rocha Lopez (chuyên viên FIFA): Bị chính quyền Mỹ bắt giữ do bị cáo buộc tham nhũng. 4. Joao Havelange (Chủ tịch danh dự): Từ chức do bị tố cáo nhận hối lộ. 5. Vernon Manilal Fernando (Ủy viên BCH): Bị cấm hoạt động bóng đá vĩnh viễn do hối lộ và tham nhũng. 6. Ricardo Teixeira (Ủy viên BCH): Từ chức do bị tố cáo nhận hối lộ 7. Mohamed Bin Hammam (Ủy viên BCH): Bị cấm hoạt động bóng đá vĩnh viễn do hối lộ. 8. Jack Warner (Ủy viên BCH): Từ chức sau khi bị cấm hoạt động do nghi ngờ hối lộ. |