Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham nhũng từ góc nhìn người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo TTXVN, ngày 20/11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức họp báo công bố kết quả khảo sát xã hội học "Tham nhũng từ góc nhìn người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức".

Tham nhũng từ góc nhìn người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức - Ảnh 1

Xây dựng là một trong bốn ngành, lĩnh vực có tham nhũng phổ biến nhất. Trong ảnh: Công trình xây dựng sai phép tại 86 Mai Hắc Đế. Ảnh:  Linh Anh

Cuộc khảo sát được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố và 5 bộ, ngành. Kết quả phản ánh nhiều nội dung liên quan đến vấn đề tham nhũng như nhận thức, cảm nhận, trải nghiệm thực tế và cả mong muốn, kỳ vọng của người dân tham gia cuộc khảo sát.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, do những hạn chế nhất định trong việc tổ chức nên kết quả khảo sát lần này không đại diện cho ý kiến của toàn thể nhân dân, doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ công chức của Việt Nam; chưa phản ánh một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác về thực trạng tham nhũng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, cũng như không phải ý kiến đánh giá của các cơ quan Nhà nước. Kết quả khảo sát lần này chỉ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu của các cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học, những người làm công tác hoạch định chính sách hướng tới mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.

Thông tin thêm về kết quả thu được từ cuộc khảo sát, bà Kwakwa - Giám đốc quốc gia WB cho biết, báo cáo cho thấy những địa phương tuân thủ đầy đủ nguyên tắc công khai, minh bạch về chính sách; thực hiện đúng, đầy đủ, tích cực về chế độ, công tác luân chuyển cán bộ và cải cách hành chính đều có mức độ tham nhũng thấp hơn. Đại diện WB cũng đưa ra khuyến cáo, việc xây dựng cơ chế đảm bảo thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, chính sách này, sẽ đem đến hiệu quả giảm bớt tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Khảo sát được thực hiện với 2.601 người dân, 1.058 doanh nghiệp và 1.801 cán bộ công chức được lựa chọn ngẫu nhiên trả lời theo hình thức phỏng vấn trực tiếp; tập trung vào các hành vi có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong các giao dịch giữa cán bộ công chức và người dân, doanh nghiệp và giữa các cán bộ công chức. Tham nhũng trong các khu vực tư nhân không thuộc phạm vi khảo sát.

Báo cáo khảo sát được công bố cho thấy, dù không phải là vấn đề được quan tâm thường xuyên nhất so với những bức xúc mà xã hội đang đối mặt, nhưng 75% số người được hỏi trong ba nhóm đối tượng đều cho biết họ quan tâm hoặc rất quan tâm đến tham nhũng. Cũng theo ý kiến của các đối tượng phỏng vấn, ngành, lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Bốn ngành, lĩnh vực ít nảy sinh tham nhũng nhất là bưu điện, báo chí, kho bạc, cảnh sát khu vực. Cũng theo khảo sát, báo chí là một trong những lực lượng được tin tưởng nhất về phát hiện tham nhũng. Hơn 80% doanh nghiệp và cán bộ công chức cho rằng báo chí phát hiện ra tham nhũng trước cả khi cơ quan chức năng phát hiện. Có nhiều nguồn thông tin giúp hình thành quan điểm, ý kiến của các đối tượng phỏng vấn về mức độ tham nhũng trong các ngành khác nhau, 93% số người trả lời cho rằng họ biết được về tham nhũng là nhờ các cơ quan truyền thông...

Đáng chú ý, Báo cáo khảo sát kết luận, đa số cán bộ công chức tin rằng, mặc dù vẫn còn là một thách thức lớn nhưng công tác phòng, chống tham nhũng cũng đã đạt được những kết quả nhất định (85% tin rằng nhận thức của cán bộ, công chức đã được nâng lên đáng kể).

Khảo sát cũng đưa ra một số gợi ý về những biện pháp để giảm tham nhũng tại Việt Nam như cần ban hành Luật tiếp cận thông tin; trao quyền cho báo chí; điều chỉnh hệ thống kê khai tài sản; tạo động cơ để có chế tài thực thi tốt hơn; tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát các nỗ lực phòng, chống tham nhũng; điều chỉnh hệ thống quản lý đất đai, phổ biến kiến thức về tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức và người dân.