Tham nhũng vẫn “nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/10, Quốc hội đã nghe và thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Hành động chưa tương xứng quyết tâm

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết: Năm 2016, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng, 838m2 đất. Đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%. Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 646 tỷ 616 triệu đồng, đã giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng với số tiền 45 tỷ 605 triệu đồng.

Cho ý kiến về vấn đề phòng chống tội phạm, nhiều ĐB cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật tăng nhưng số lượng xử lý lại giảm. Theo báo cáo của Chính phủ thì xử lý vi phạm giảm 65%. Tình hình này cho thấy thiếu quan tâm trong xử lý vi phạm hành chính, có thể không nghiêm, có thể bỏ lọt tội phạm, hoặc hành chính hóa dấu hiệu hình sự. Có nhiều vụ có dấu hiệu tham nhũng nhưng lại xử lý hành chính. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đồng tình với đánh giá của Chính phủ: “Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn ra phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng”, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN vẫn chưa chỉ rõ địa chỉ và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. “Quyết tâm PCTN chỉ nằm trên văn bản, còn hành động trên thực tế lại chưa tương xứng. Đáng lưu ý có một số cán bộ còn bao che, tiếp tay, “bảo kê” cho vi phạm” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thẳng thắn. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Đưa ra dẫn chứng truy tố tội phạm tham nhũng giảm 17,8%, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Rất đáng lo ngại”. Bởi trong các báo cáo đều nhận định, tình hình tham nhũng không suy giảm nhưng trong đấu tranh lại giảm. ĐB Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) nhìn nhận: Tội phạm tham nhũng giảm về số vụ và số người, nhưng không làm cho chúng ta yên tâm, mà còn lo lắng khi tham nhũng chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Như ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhận xét: Chúng ta có một bộ máy, tổ chức rất mạnh mẽ, nhưng tham nhũng vẫn “hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật”. Phải chăng có sự bao che, tham nhũng “chồng” tham nhũng. Vậy trách nhiệm của cơ quan phòng chống tham nhũng như thế nào?

Phải làm rõ về tài sản kê khai

Cho rằng việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu, xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình hiện nay, ĐB Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) nhận xét: Một thực tế là cán bộ công chức, người dân, DN khi làm việc với các cơ quan công quyền phải “bôi trơn” thì mới xong việc. Nguyên nhân quan trọng là người tham nhũng đều là những người có chức, có quyền. Quốc hội cần nghiên cứu, ban hành chính sách công khai, minh bạch để kiểm soát nguồn lực, công tác tổ chức cán bộ để kéo giảm tham nhũng. Chính phủ cần kiểm soát rõ hơn về kê khai tài sản, xác định đâu là tài sản đứng tên, còn đâu là tài sản để cho người nhà đứng tên và phải cương quyết phải thu hồi lại tài sản do tham nhũng gây lên. ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cũng cho rằng: Báo cáo của Chính phủ vẫn đánh giá tham nhũng phức tạp, nếu không sớm đẩy lùi thì đe dọa đến tồn vong của chế độ khi lòng dân không yên. Vụ án Trịnh Xuân Thanh chỉ là một mắt xích. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử, nhưng thu hồi tài sản chẳng đáng là bao. ĐB Sinh cho rằng: Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Do đó cần coi trọng công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện.

Các ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ lưu ý đến những quy định nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể. 

Theo Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí, trong năm 2016, có 38 trường hợp cán bộ bị xử lý do liên quan đến oan sai và bỏ lọt tội phạm, trong đó có 1 viện trưởng cấp tỉnh, 6 viện trưởng cấp huyện, 4 phó viện trưởng, còn lại là kiểm sát viên. Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết chống bỏ lọt tội phạm để góp phần phòng ngừa, phát hiện tội phạm và phòng, chống tiêu cực trong cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần