Thảm sát tại New Zealand - Bi kịch từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chúng ta không còn sống trong một môi trường lành tính, khi virus của chủ nghĩa cực đoan đang lây lan. Vấn đề là nó không phải từ cộng đồng Hồi giáo - vốn là mục tiêu chỉ trích bấy lâu nay".

Những người may mắn sống sót sau vụ xả súng hôm 15/3 được hộ tống rời khỏi hiện trường. 
Một vụ xả súng hàng loạt vào 2 nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand trong những buổi cầu nguyện hôm 15/3 đã gây kinh ngạc cho quốc tế bởi quốc gia Nam Thái Bình Dương vốn được đánh giá cao bởi sự an toàn và cởi mở.
Tay súng giết chết 49 người tại TP Christchurch, hiện đã bị bắt giữ và đang trong quá trình thẩm vấn, được cho là một người hâm mộ "chủ nghĩa dân tộc Balkan" khi tên này đã đăng tải nhiều bức ảnh về các biểu tượng dân tộc của Balkan lên mạng xã hội, cùng với những tuyên bố chỉ trích sự can dự của Mỹ vào Kosovo. Nghi phạm này thậm chí đã phát trực tiếp một bài hát vinh danh nhà lãnh đạo chính trị thời chiến Bosnian Serb Radovan Karadzic - người sẽ chịu những phán quyết cuối cùng về tội diệt chủng và tội ác chiến tranh vào tuần tới - trước khi thực hiện vụ thảm sát.
Thêm vào đó, một bản tuyên ngôn dài 73 trang trên Twitter cá nhân của tay súng, tự nhận là "một người đàn ông Australia da trắng bình thường", mô tả vụ xả súng là nhằm trả thù cho "hàng ngàn cái chết do những kẻ xâm lược nước ngoài gây ra".
Ảnh chân dung nghi phạm cắt từ video trực tiếp trên tài khoản FB Brenton Tarrant. 
Đánh giá về "một trong những ngày đen tối nhất của New Zealand", Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh rằng nhiều người trong số các nạn nhân của vụ khủng bố có thể là người di cư đến nước này. "Họ thậm chí có thể là người tị nạn ở đây và sau đó đã xem New Zealand như là quê nhà của mình".
Trang web thảo luận trực tuyến 8chan, được biết đến với nhiều nội dung bao gồm ngôn từ kích động thù địch, mang theo một bài đăng nặc danh liên quan đến đoạn phim trực tuyến của tay súng nói trên về vụ tấn công vào một trong 2 nhà thờ Hồi giáo và một "tuyên ngôn" chỉ trích nhập cư.
Cựu chuyên gia phân tích chính sách tình báo và quốc phòng Paul G Buchanan nhận định đây là "một trường hợp kinh điển của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố cánh hữu" khi cảnh báo về mối đe dọa từ các nhóm phát xít mới nổi tại New Zealand.
"TP Christchurch đang có một cộng đồng 'da trắng siêu quyền lực' chuyên nhắm đến người tị nạn và người da màu trong suốt 20 năm qua," ông Buchanan nói với Đài New Zealand, "Điều đó cho thấy chúng ta không còn sống trong một môi trường lành tính, khi virus của chủ nghĩa cực đoan đang lây lan. Vấn đề là nó không phải từ cộng đồng Hồi giáo - vốn là mục tiêu chỉ trích bấy lâu nay".
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu trên truyền hình ngay sau sự kiện khủng bố. 
Điều tra dân số năm 2013 cho thấy: Chỉ 1% dân số New Zealand là người gốc bản địa, trong khi hơn 3/4 là người nhập cư hay kiều bào sinh ra ở nước ngoài. Trong khi một nghiên cứu năm 2011 của ĐH Victoria Wellington cho thấy, người nhập cư vào New Zealand từ các quốc gia Hồi giáo sẽ ít được tạo điều kiện so với người di cư từ Anh hay các nơi khác.
Trong cuộc tấn công, đã có một sự tuôn ra của sự cảm thông và hoài nghi. "Tôi chỉ đau lòng. "Không thể chấp nhận được thực tế này", Chủ tịch Hiệp hội Hồi giáo Marlborough Zayd Blissett nói, "điều này đáng lẽ không thể xảy ra ở New Zealand". Trong khi Thủ tướng Ardern kết luận rằng New Zealand không phải là mục tiêu chỉ vì sự phân biệt chủng tộc hay vì đây là nơi ẩn náu của chủ nghĩa cực đoan.
"Chúng tôi (New Zealand) đã bị chọn vì chúng tôi đại diện cho sự đa dạng, lòng trắc ẩn - một ngôi nhà cởi mở với những người cần nó", Thủ tướng Ardern nói với các phóng viên, "và tôi xin đảm bảo rằng những giá trị đó sẽ không và không thể bị lung lay bởi vụ tấn công này".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần