Thâm thủng ngân sách, ai chịu trách nhiệm?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hết tiền hoạt động, trả lương nhân viên, là “con nợ” của nhiều đơn vị… là thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương hiện nay.

Câu chuyện Cà Mau, Bạc Liêu… thiếu tiền đang là thực tế đáng giật mình trong thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN).

Vì đâu nên nỗi

Theo báo cáo tài chính của Thành ủy Bạc Liêu, dự toán kinh phí được duyệt năm 2015 của đơn vị là hơn 7,5 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 7/2015, cơ quan này đã sử dụng 7,67 tỷ đồng. Biên bản bàn giao công nợ đến ngày 31/7 được tổ chức vào ngày 21/9, cơ quan này còn tồn đọng rất nhiều khoản nợ. Trong đó nhiều nhất là tiền khám sức khỏe năm 2015 với hơn 619 triệu đồng. Kế đến là tiền nợ bảo hiểm xã hội 366 triệu đồng, soạn thảo văn bản 200 triệu đồng, tiếp khách 192 triệu đồng, mua máy                             photocopy 268 triệu đồng, hỗ trợ bằng thạc sĩ 180 triệu đồng... Tổng số công nợ là 2,8 tỷ đồng. Chi vượt dự toán, kinh phí trang trải nhiều cho các sự kiện quan trọng như đại hội Đảng bộ, chi tiêu nội bộ nhiều… là nguyên nhân được đại diện Thành ủy Bạc Liêu đưa ra để giải thích cho tình trạng “chúa Chổm” của đơn vị này.
Thành phố Cà Mau đang nợ hàng trăm tỷ đồng và không đủ tiền trả lương cho công chức, viên chức.
Thành phố Cà Mau đang nợ hàng trăm tỷ đồng và không đủ tiền trả lương cho công chức, viên chức.
Sau Bạc Liêu, báo cáo về tình hình thu chi ngân sách của TP Cà Mau cho thấy, nhiều năm liền, TP thu ngân sách không đạt nhưng chi ngân sách luôn cao hơn mức được giao. Năm 2012, tổng chi trên 555 tỷ đồng, trong khi nguồn ngân sách chỉ là trên 500 tỷ đồng. Năm 2013, trong khi nguồn ngân sách là trên 536 tỷ đồng, thì chi đến hơn 627 tỷ đồng, mất cân đối trên 90 tỷ đồng... Một lãnh đạo TP Cà Mau thừa nhận, việc dẫn đến tình trạng mất cân đối là do nhiều năm liền thu ngân sách không đạt, dẫn đến phải tạm ứng trước để chi tiêu trong nhiều năm và hệ quả là TP Cà Mau đã trở thành “con nợ” lớn.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, nguyên nhân vì sao ngân sách hết tiền, một số cơ quan hành chính Nhà nước tại các địa phương thành “chúa Chổm” thì bản thân các cơ quan rơi vào tình trạng này hiểu rõ nhất. Tuy nhiên, tình trạng chi tiêu quá nhiều, không có kế hoạch, trong khi nguồn thu hạn chế là rất đáng báo động. “Hàng năm, dự toán ngân sách, thu cái gì, thu được bao nhiêu và chi như thế nào luôn được các cơ quan Nhà nước xây dựng và phê duyệt. Việc thâm hụt ngân sách đến mức không còn tiền trả lương cho cán bộ, công chức có thể là do dự toán xây dựng chưa sát hoặc địa phương đó chưa tuân thủ chặt chẽ Luật Ngân sách” - ông Thành phân tích. Bên cạnh đó, đầu tư công không hiệu quả, phê duyệt dự án vội vàng, chưa có nguồn thu đã chi ra dẫn đến một số khoản chi vượt so với dự toán, xảy ra chênh lệch thu - chi. Hụt thu, ngân sách địa phương phải “gánh”, gánh không được lại tạm ứng ngân sách, ông Thành cho rằng đó là một vòng luẩn quẩn khiến ngân sách nhiều địa phương thâm thủng sâu hơn.

Cần làm rõ trách nhiệm cá nhân

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chi tiêu quá tay, đầu tư công không hiệu quả… của nhiều cơ quan hành chính Nhà nước, nhiều địa phương sẽ khiến người dân mất lòng tin. Ngân sách thiếu, cán bộ, công chức bị nợ lương, thậm chí sẽ bị tạm nghỉ việc, một số đơn vị gian nan đòi nợ…, đó là thực tế đang diễn ra. Vậy, để thâm thủng ngân sách, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Ông Thành cho rằng, theo quy trình, bộ phận nào sai, bộ phận đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng cao hơn hết, người đứng đầu địa phương ấy phải chịu trách nhiệm.

Ở góc độ khác, theo ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cần phải xem xem tình trạng để chi vượt thu dẫn đến khó khăn cho cân đối ngân sách của các địa phương này xuất phát từ đâu. Phải làm rõ được nguyên nhân của tình trạng đó, xem nguyên nhân đó có phải là nguyên nhân chủ quan do quản lý điều hành ngân sách không. “Nếu do nguyên nhân chủ quan trong quản lý điều hành ngân sách thì lúc bấy giờ mới xem xét trách nhiệm cá nhân được. Còn nếu do nguyên nhân khách quan thì không thể nào xem xét được trách nhiệm cá nhân” - ông Thụ nói.

Về phía Bộ Tài chính, đại diện Vụ NSNN cho rằng, theo nguyên tắc, Luật NSNN quy định nhiệm vụ cấp nào, cấp đó chi. Cấp trên không được chi thay cho cấp dưới. Chỉ có trường hợp ứng trước để giải quyết thiếu hụt tạm thời. TP Bạc Liêu và TP Cà Mau chịu trách nhiệm về vấn đề trên. Chính quyền địa phương phải bố trí dần kinh phí để trả nợ. Còn nhà thầu phải chịu rủi ro rằng Kho bạc sẽ không chi vì không có trong dự toán.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần