Thắm tình thân tại nơi phục vụ người có công

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đất nước thống nhất 46 năm, chúng ta luôn ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ, thương binh và bệnh binh đã hy sinh một phần thân thể để có cuộc sống hòa bình hôm nay. Vì thế, được chăm sóc người có công (NCC) không chỉ bởi trách nhiệm còn là niềm vinh dự đối với Ban giám đốc, cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội.

Cố gắng mỗi ngày để làm hài lòng người có công
Những ngày tháng 4, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội (số 168 phố Thanh Bình, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) đông vui, nhộn nhịp. Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội Chu Đình Điệp dẫn chúng tôi đi qua khoảng sân xanh mát đến Nhà tưởng niệm được xây hình hoa sen nằm trên hồ nước. Đây là nơi thờ Bác Hồ và vong linh các Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sỹ và các anh hùng liệt sỹ...

Nhà tưởng niệm tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội là nơi thờ Bác Hồ và vong linh các Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sỹ, các anh hùng liệt sỹ... 

“Hơn 40 năm trước, Trung tâm nuôi dưỡng nhiều mẹ liệt sỹ. Hơn 100 mẹ khi mất đi không còn thân nhân nên Trung tâm đã tổ chức thờ cúng cùng 19 liệt sỹ là con của các mẹ. Trước đó, TP Hà Nội có quyết định cấp tiền thờ cúng cho mỗi anh hùng liệt sỹ 500.000 đồng/năm, nhưng từ cuối năm 2017, khi tôi được điều động về Trung tâm đã làm công văn xin không nhận số tiền đó. Chúng tôi công đức và thắp hương quanh năm cho Bác Hồ, các mẹ, anh hùng liệt sĩ bằng tấm lòng thành kính, có hoa quả đầy đủ. Nhà tưởng niệm cũng là nơi để NCC đến tụng kinh, thắp hương bất kỳ lúc nào” – ông Chu Đình Điệp cho biết.
Điều chúng tôi dễ nhận thấy, là dọc hành lang khu nhà NCC an dưỡng có nhiều bức thư, bài thơ, ảnh chụp NCC sinh hoạt được lồng vào khung treo trên tường trang trọng. Từng tầng của tòa nhà lại được mở rộng cầu thang và trang trí hai bên để NCC dễ dàng di chuyển từ khu nghỉ sang khu thể dục thể thao, ngâm chân thuốc Bắc, tắm xông. Khu vực nấu ăn được thiết kế một chiều để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực đơn mỗi bữa ăn có từ 10 – 11 món,  các món được thay đổi và rất hài hòa về dinh dưỡng.
 Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội Chu Đình Điệp đi đến từng bàn chúc các cụ người có công ăn ngon miệng.
Đặc biệt, những món ăn được trình bày đẹp mắt, khiến không ít cụ nhìn thấy đã thốt lên: Mâm cơm giống như tác phẩm nghệ thuật, chúng tôi không nỡ ăn! Để làm được điều đó, Ban giám đốc Trung tâm đã cử nhân viên đến Khách sạn Marriott Hà Nội học cách nấu ăn, cắm tỉa hoa củ quả, bày biện món ăn, nhằm tạo ra sự chuyên nghiệp trong cách phục vụ NCC. Và điều quan trọng là để NCC được ăn ngon mắt, ngon miệng và dùng hết các món.
Với NCC lần đầu tiên đến Trung tâm đã không thể ngờ khi những cán bộ, nhân viên thăm khám sức khỏe, chế biến món ăn, phục vụ phòng đã hóa thân thành những nghệ sĩ múa hát rất chuyên nghiệp từ thần thái, biểu cảm, trang phục, phong cách trình diễn trên sân khấu. “Chúng tôi đã xác định là “được phục vụ” NCC. Để làm hài lòng NCC, nghe có vẻ đơn giản nhưng hàng ngày chúng tôi vẫn luôn cố gắng. Hài lòng là tạo cho các cụ có cảm giác ấm áp gia đình và luôn nhận được sự chăm sóc sớm hôm. Bởi vậy, từ cán bộ đến nhân viên đều tươi cười mỗi khi được tiếp xúc và phục vụ các cụ. Thậm chí, trên những bộ đồng phục của chúng tôi đều có logo hình mặt cười để nhắc nhở mọi người đang “được phục vụ” – ông Chu Đình Điệp giải thích.
 Hàng ngày, người có công được theo dõi khám sức khỏe.
Nơi thắm đậm tình thân
Theo kế hoạch, năm 2021, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội đón 2.200 NCC ở các quận, huyện về an dưỡng. Mỗi đợt điều dưỡng kéo dài 6 ngày; tuy nhiên để NCC an dưỡng thực sự có ý nghĩa, từ cuối năm trước, Ban Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội đã lên kế hoạch hoạt động, thực đơn từng bữa ăn gửi về phòng LĐTB&XH các quận, huyện để xin ý kiến. ọ cũng thiết kế những điểm đi tham quan, nghỉ mát phù hợp và ý nghĩa với NCC.
Trong căn phòng ấm cúng có ti vi, tủ lạnh, lọ hoa tươi, bộ bàn ghế, hai giường đệm và khu vệ sinh khép kín, bà Lê Thị Hiền (75 tuổi) - Thương binh hạng 4/4 đến từ xã Tiên Dương, huyện Đông Anh chia sẻ: Tôi thật sự ngạc nhiên vì sự chỉn chu đến từng mọi điều nhỏ nhất. Lần thứ hai tôi trở lại Trung tâm và nhận thấy nơi đây thay đổi rất nhiều, khuôn viên đẹp hơn, nhà cửa sạch sẽ, khang trang hơn. “Khi đất nước có chiến tranh, những người trẻ tuổi chúng tôi xung phong mang vác các thùng đạn có trọng lượng nhiều hơn cân nặng của mình qua đường rừng núi xuống thuyền để chở vào miền Nam chiến đấu. Đến bây giờ, cứ cách một năm chúng tôi lại được đi an dưỡng một lần thế này rất phấn khởi. Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chăm lo chu đáo” – bà Lê Thị Hiền bộc bạch.

 Những người có công đang ngâm chân thuốc Bắc tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội.
Điều những NCC ấn tượng nhất khi ở Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội đó là ngoài sự quan tâm, chăm sóc ân cần, nơi đây còn có các dịch vụ phục vụ đầy đủ. Ở mỗi tầng của dãy nhà lại được kê bộ bàn ghế, có lọ hoa để mọi người ngồi thưởng trà và đọc sách, báo... Những ai muốn giao lưu văn nghệ thì đến phòng hát karaoke sẽ được nhân viên phục vụ.
Ông Chu Công Lý – Thương binh hạng 1/4 ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất cho hay: Chúng tôi không thể nào quên hình ảnh chiếc xe ô tô vừa vào tới cổng, từ Ban Giám đốc đến nhân viên chạy ra đón tiếp và dẫn vào phòng. Những người già yếu đi lại khó khăn hoặc bị say xe thì được dìu lên bậc thềm nhà. Trong mỗi bữa ăn, Giám đốc và quản lý, nhân viên lại đi đến từng bàn NCC chúc ngon miệng và hỏi đồ ăn có hợp khẩu vị, cần điều chỉnh gì không. Sau đợt điều dưỡng, các thành viên trong đoàn có sức khỏe ổn định và tăng cân.
 Người có công đi an dưỡng đang xem những bức thư cảm ơn được lồng vào khung kính, treo trang trọng trên tường. 
 6 ngày an dưỡng ở Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội trôi đi nhanh chóng. Đến lúc phải ra về, từ NCC cho đến Giám đốc Trung tâm, cán bộ, nhân viên đều xúc động, bịn rịn chia tay và hẹn ngày gặp lại. Bởi NCC đã được sống trong tình thân gia đình, được chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ. “Lãnh đạo Trung tâm đã tổ chức sinh nhật gồm thổi nến, tặng quà cho 6 cụ có ngày sinh trong tháng 4. Việc này khiến các cụ hết sức bất ngờ và xúc động bởi có người từ bé đến nay chưa được gia đình tổ chức sinh nhật lần nào. 
Trung tâm còn tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ để NCC được thể hiện những bài hát cách mạng rất hay và ý nghĩa. Đặc biệt, khi biết người dân xứ Đoài rất coi trọng Tết Hàn thực, lãnh đạo Trung tâm tổ chức nặn bánh trôi, bánh chay cho chúng tôi trải nghiệm và thưởng thức”- ông Khuất Hồng Minh – Trưởng đoàn Thạch Thất, bị nhiễm chất độc hóa học trên 40% xúc động chia sẻ.
Những lời cảm ơn không nói hết bằng lời. Trước lúc ra về, nhiều trưởng đoàn và NCC đã viết thư cảm ơn lãnh đạo và nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội và mong sớm có ngày trở lại. Thậm chí, NCC Nguyễn Đức Giáp đến từ Đoàn NCC xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất đã để lại dòng lưu bút với nhiều lời gửi gắm thắm đượm tình thân: “...Ôi thương lắm nụ cười tạm biệt/Xa nhau rồi xin viết lời thơ/Yêu thương ta hẹn ai chờ/Trung tâm với khách đôi bờ yêu thương”./.
        
         

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần