Tuy nhiên, sau khi kết thúc Hội nghị, các quan chức tài chính của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã thất bại trong việc đưa ra quyết định về việc thành lập một ngân hàng chung, làm đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) .
Năm 2012, với quyết tâm thành lập một định chế tài chính chung nhằm cấp vốn cho các dự án hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong BRICS, kế hoạch xây dựng một ngân hàng chung đã được Ấn Độ đề xướng. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, nhiều vấn đề đã được đặt ra như trụ sở sẽ đặt ở đâu khi Nam Phi cho rằng mình ở vị trí trung tâm, còn Nga cũng khẳng định Moscow là địa điểm phù hợp nhất. Đặc biệt, việc quản lý ngân hàng sẽ tỷ lệ thuận với lượng tiền đóng góp hay được chia đều giữa các nước thành viên đã chiếm toàn bộ thời lượng của các cuộc thảo luận hôm 26/3 mà không đi đến một kết quả khả quan nào. Trung Quốc hay Nga sẽ không gặp khó khăn gì nếu mỗi thành viên phải đóng góp 10 tỷ USD, nhưng với Nam Phi, chỉ chiếm dưới 3% quy mô kinh tế của BRICS nên lãnh đạo nước này cho rằng sẽ không công bằng khi phải đóng góp một lượng tiền bằng với các quốc gia khác.
Những bất đồng trên cho thấy, dù tham vọng về một định chế tài chính công bằng có lớn đến đâu đi chăng nữa thì phải mất nhiều năm tới, BRICS mới có thể thu hẹp và san bằng những cách biệt để đưa một ngân hàng chung đi vào hoạt động.