Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham vọng không dễ thực hiện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi Chính phủ Pháp thừa nhận sẽ không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 0,8% và đưa thâm hụt chi tiêu về mức giới hạn trần 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu, việc kế hoạch mở rộng Thủ đô Paris được thông qua đã gia tăng sức ép ngân sách lên chính quyền Tổng thống Francois Hollande.

Từ khi được đề xuất từ năm 2007, dưới thời của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, kế hoạch đầy tham vọng nhằm kết nối và giảm khoảng cách phát triển giữa khu trung tâm Paris với các vùng ngoại ô đã gây ra không ít tranh cãi. Ý tưởng mở rộng Paris đã có từ thời Vua Napoleon III  (từ những năm 50 của thế kỷ XIX,  nhưng thất bại trên chính trường đã buộc ông Baron Haussmann, kiến trúc sư chính thời đó phải từ bỏ tham vọng của mình. Kể từ đó, các đời Tổng thống Pháp như Georges Pompidou, Francois Mitterrand hay Jacques Chirac khi rời nhiệm sở đều muốn để lại dấu ấn với Paris. Giống như các Tổng thống tiền nhiệm, ông Sarkozy hy vọng sẽ để lại dấu ấn lịch sử nhờ tạo ra những bước chuyển ngoạn mục cho vùng ngoại ô Paris nhưng thất bại trong nỗ lực tái đắc cử đã đặt dấu chấm hết cho tham vọng này. Tiếp nối truyền thống trên, chính quyền đương nhiệm cũng đổi tên cho dự án là "Tân đại Paris", đồng thời bổ sung thêm nhiều chi tiết mới.

Tham vọng không dễ thực hiện - Ảnh 1

Một góc Thủ đô Paris về đêm.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ các nước châu Âu và Pháp đang phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, kế hoạch mở rộng Paris được cho là quá tốn kém. Chính Thủ tướng Jean-Marc Ayrault cũng thừa nhận rằng, tổng kinh phí mở rộng Paris không thể dừng ở mức 20,5 tỷ Euro như dự tính ban đầu mà sẽ phát sinh thêm rất nhiều. Theo tính toán, chỉ riêng với việc mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông vận tải đã tốn 29,9 tỷ Euro. Để bảo vệ cho dự án trước các luồng ý kiến chỉ trích của dư luận, Thủ tướng Ayrault khẳng định việc mở rộng Paris sẽ mang lại lợi ích trực tiếp và cả gián tiếp cho nước Pháp. Vì thế, Chính phủ sẽ tìm kiếm đủ nguồn kinh phí để trang trải cho dự án bằng cách tăng thuế đánh vào các văn phòng, cửa hàng tại khu vực trung tâm, giảm chi phí đầu tư giao thông xuống 3 tỷ Euro... Tuyên bố trên của Thủ tướng Pháp lập tức vấp phải sự phản đối của người dân, nhất là trong vấn đề tăng thuế, một thách thức của cả nền kinh tế đang gặp khó khăn hiện nay. Ngoài ra, việc quản lý nhà ở, đô thị của cả một vùng thủ đô sau mở rộng sao cho hiệu quả cũng là bài toán nan giải.

Dù thời điểm hoàn thành dự án này là năm 2030, muộn mất 5 năm so với kế hoạch trước đó nhưng không ai dám đảm bảo rằng các đời Tổng thống kế nhiệm sẽ tiếp nối quan điểm và các chi tiết mở rộng Paris đã đề ra. Sự không ổn định là nhân tố đe dọa trực tiếp sự phát triển bền vững của Paris. Thậm chí, các chuyên gia còn cho rằng, tham vọng muốn để lại dấu ấn cá nhân của các đời Tổng thống Pháp có thể biến thủ đô hoa lệ bậc nhất châu Âu thành vùng đất của sự chắp vá.