Kinhtedothi - Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa quyết định cho phép đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc gia nhập Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) – chung rổ với 4 đồng tiền dự trữ quốc tế là USD, Bảng Anh, Yên Nhật và Euro.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
NH T.Ư của các quốc gia thành viên IMF có thể dùng dự trữ ngoại hối từ SDR trong các trường hợp khẩn cấp như hỗ trợ tỷ giá hoặc trả nợ quốc tế là sự biến đổi lớn nhất của SDR kể từ khi Euro ra đời năm 1999. “Việc góp mặt của NDT sẽ làm phong phú hơn phạm vi hạn hẹp của chiếc rổ này” - tuyên bố của Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng là lời công nhận vị thế kinh tế của Trung Quốc trên trường thế giới. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc trong tiến trình quốc tế hóa NDT được coi là nhằm cải thiện, tăng cường vị thế và uy tín của đồng tiền này hơn là mưu cầu lợi ích kinh tế. Những tác động kinh tế trực tiếp và gián tiếp từ việc NDT gia nhập SDR khá khiêm tốn. Với mức lãi suất thấp, xu hướng tăng giá và nguy cơ can thiệp từ chính phủ, trong ngắn hạn NDT không phải là lựa chọn lý tưởng của các NH T.Ư. Bên cạnh đó, mặc dù đồng bạc xanh của Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong SDR, trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn phải trả mức lợi suất cao hơn mức các nước Eurozone và Nhật Bản phát hành, vì vẫn bị coi là rủi ro hơn một số tài sản thanh toán bằng các ngoại tệ khác. Có thể nói, "đặc quyền" mà Mỹ hay các nước có đồng tiền thuộc SDR được hưởng có thể bị phóng đại. Do đó, Trung Quốc tham vọng quốc tế hóa NDT có lẽ vì muốn vực dậy niềm tin cho nền kinh tế đang bị nghi ngờ tính bền vững này.
Để tham gia SDR, một đồng tiền phải đáp ứng 2 tiêu chí “sử dụng rộng rãi” và “sử dụng tự do”. Tiêu chí thứ nhất đã được Trung Quốc nỗ lực trong hơn 10 năm qua để đạt được. Kể từ năm 1994, Trung Quốc đã thành lập hơn 10 trung tâm giao dịch nước ngoài, ký kết 30 thỏa thuận hoán đổi song phương và hàng loạt giao dịch trong thanh toán quốc tế. Ngân hàng Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với 40% vốn góp từ Bắc Kinh, bên cạnh nỗ lực giảm ảnh hưởng của USD, còn là “quân cờ” giúp Trung Quốc gia tăng sự xuất hiện của NDT trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng tiêu chí thứ hai với tiến trình thả nổi tỷ giá vẫn còn dang dở. Do đó, quyết định của IMF bên cạnh công nhận vị trí của Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu còn là lời ám chỉ ngầm, yêu cầu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục cải cách tự do hóa và tối giản can thiệp của chính phủ vào thị trường tiền tệ. Hiện nay, viễn cảnh thả nổi vẫn còn xa và chưa ảnh hưởng tới lượng cầu NDT trong ngắn hạn. Tuy nhiên trong trung hạn, điều này sẽ thay đổi. Cho tới tháng 10 năm 2016, quyết định xuất hiện NDT trong rổ tiền tệ mới thực sự có hiệu quả, do đó có đủ thời gian để các quốc gia thành viên IMF “trở tay” trước những biến đổi của diện mạo thương mại toàn cầu từ việc này.