Kinhtedothi - Khoảng 6.500 tỷ đồng được các công ty chứng khoán (CTCK) bơm vào thị trường chứng khoán (TTCK) cho hoạt động margin (giao dịch ký quỹ) và ứng trước cho thấy, thị trường đang được giữ lửa bởi khối lượng lớn tiền vay. Mốc 600 điểm không quá khó để vươn tới, song duy trì sự khởi sắc trong thời gian dài trên nền tảng vay mượn lại không hề dễ dàng.
Dùng margin để "lướt sóng"
Thống kê từ Báo cáo tài chính của các CTCK cho thấy, top 10 thị phần môi giới cũng là những công ty bơm nhiều tiền nhất cho các nhà đầu tư (NĐT) như SSI, HSC, MBS, ACBS, VNDS, FPTS… Dịch vụ tài chính là lĩnh vực đóng góp nguồn thu lớn cho các CTCK và cũng được đánh giá là một vũ khí cạnh tranh để thu hút NĐT giữa các "ông lớn" trên sàn. Cũng bởi, "chơi" chứng khoán bằng tiền vay như vậy nên dễ hiểu khi các mã cổ phiếu được NĐT tập trung gom đa phần thuộc nhóm blue-chip có thanh khoản tốt (dễ mua, dễ bán). Tuần qua, sức nóng chỉ tập trung ở một vài mã cổ phiếu (CP) như FLC, FPT, PVS, VNM, HQC, SHB.
Đơn cử với cổ phiếu FLC, nghi ngờ về việc có động tác kỹ thuật đứng sau đạo diễn kéo thanh khoản FLC tăng mạnh, đạt vị trí quán quân trên sàn. Tuy nhiên, sức hấp dẫn ở khối lượng lớn như vậy khiến không ít NĐT cá nhân mạo hiểm đánh đu theo "tay to", nên mua bán rất sôi động, nhất là thời điểm đóng tiền mua CP phát hành thêm đã gần kề.
Vốn là vấn đề trọng tâm mà các CTCK luôn chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu vay ngắn hạn cho NĐT trên thị trường. Bởi chính những NĐT "lướt sóng" mới đem lại nguồn thu môi giới cho các CTCK. Vì thế, nới margin là xu hướng chung đã và đang được nhiều CTCK thực hiện, trong bối cảnh thị trường tăng điểm. Tâm lý tích cực bao trùm, giúp dòng tiền vào chứng khoán gia tăng, cải thiện thanh khoản thị trường, bên cạnh việc dòng tiền mới bắt đầu sốt ruột chờ đợi cơ hội tham gia. So với quy mô margin và ứng trước mà các công ty này duy trì cho các NĐT vay hồi đầu năm, mức độ sử dụng margin của NĐT hiện rất cao.
Áp lực bán chốt lời mạnh
Mức độ sử dụng margin lớn đồng nghĩa với áp lực bán tại các vùng giá cao chốt lời của NĐT rất mạnh, duy trì điểm số cao và tăng nóng không phải là bài toán đơn giản với thị trường. Lãnh đạo một CTCK cho hay, nhiều DN trong lĩnh vực này thực chất sống nhờ 2 nguồn phí chính là dịch vụ môi giới và lãi vay margin. Trong đó, để cho vay margin, CTCK phải có nguồn tiền dồi dào. Trong thời gian qua, dù thị trường có những phiên "rung lắc", nhưng rất ít CTCK thực hiện giải chấp CP vì tỷ lệ vẫn nằm trong vùng cho phép. Song có nhiều ý kiến lo ngại, thị trường không thể tăng mãi, tất yếu sẽ có lúc điều chỉnh giảm, khi đó, việc giải chấp ít nhiều sẽ xảy ra và rủi ro với từng CP và với từng NĐT vẫn hiện diện một khi thị trường đột ngột đảo chiều, nếu việc lựa chọn CP cũng như quan điểm đầu tư không phù hợp.
Hiện, 2 ẩn số với thị trường bên cạnh vốn vay là kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và động thái của khối ngoại. Liên quan đến kết quả kinh doanh của DN, tuần này sẽ là thời điểm rộ công bố thông tin. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong quý II không có nhiều DN đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Những tên tuổi được dự báo khả quan không ngoài họ thực phẩm, dầu khí như VNM, GAS… kỳ vọng đã được phản ánh vào giá. Trong khi đó, nhiều CP có kết quả kinh doanh kém ngay khi công bố đã kéo thị giá rớt mạnh. Đơn cử như trường hợp của VNE, thông tin Công ty này lỗ 100 tỷ đồng trong quý II đã tác động đến tâm lý NĐT, kéo theo lệnh bán sàn chất đống trên thị trường. Nhóm ngân hàng với nợ xấu tiềm ẩn cũng tạo ra sự cản trở đi lên của thị trường. Việc CP có kết quả kinh doanh tốt đã tăng liên tục trong thời gian qua khiến cho thị giá ở mặt bằng khá cao so với khu vực, NĐT ít sự lựa chọn, cũng là yếu tố cản trở sự đi lên của thị trường.
Phiên đầu tuần (21/7), VN-Index đã vượt 600 điểm, sau đó rớt trở lại trong phiên tiếp theo (22/7) trước áp lực bán mạnh cho thấy thị trường vẫn rơi vào cảnh "xanh vỏ đỏ lòng". Điều này là dễ hiểu khi triển vọng kinh tế vĩ mô chưa có chuyển biến rõ rệt. Với thanh khoản lớn như những phiên gần đây, nếu tình trạng này còn lặp lại trong một vài phiên, có thể không liên tục mà đứt quãng gần, thì NĐT nên thận trọng, vì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy dòng tiền lớn đã bán và thoát ra khỏi thị trường.
Sàn Giao dịch Chứng khoán ACBS tại Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
|