KTĐT - Giám đốc Sở KHCN Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, sang tháng 3/2011 sẽ tổ chức bắt rùa tai đỏ tại hồ Gươm với yêu cầu không ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh hồ và không làm “kinh động” đến “cụ Rùa”.
Trước yêu cầu của UBND Thành phố Hà Nội về việc xử lý rùa tai đỏ tại hồ Gươm, ông Rao cho biết, Sở KHCN đã họp với các nhà khoa học, các cơ quan quản lý bàn giải pháp đánh bắt và xử lý rùa tai đỏ.
Ý kiến của các nhà khoa học cho rằng, rùa tai đỏ bắt đầu xuất hiện tại Hồ Gươm từ năm 2004. Đây không những là loài động vật phàm ăn mà còn sống rất khỏe, có sức chịu đựng dẻo dai, sinh nở rất nhanh. Rùa tai đỏ được tổ chức môi trường thế giới xếp hàng đầu trong hơn 200 sinh vật xâm hại môi trường mạnh nhất.
Rùa tai đỏ lúc chưa trưởng thành thường chỉ ăn thịt nhưng khi lớn lên chúng ăn mọi thứ, từ cây, cỏ, côn trùng trên cạn, tôm, cua… đến cả động vật có xương sống nhỏ, nhưng chưa có tư liệu nói rằng chúng ăn tảo.
Không chỉ nói về mối nguy hại và đưa ra giải pháp bắt rùa tai đỏ tại hồ Gươm, các nhà khoa học đã đề nghị Sở KHCN cần phải có văn bản pháp quy rõ ràng và chặt chẽ về việc xử lý sinh vật ngoại lai, bên cạnh đó cần tuyên truyền rộng rãi để người dân không phóng sinh rùa tai đỏ vào thiên nhiên.
“Sang tháng 3 sẽ bắt rùa tai đỏ tại hồ Gươm. Việc đánh bắt sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm và đặc biệt là không làm “kinh động” đến cụ Rùa”, Giám đốc Sở KHCN Lê Xuân Rao nói.
Ông Rao cho hay, thời gian tới sẽ nhanh chóng hoàn thiện các phương pháp đánh bắt và tiến hành thử nghiệm tại một số nơi trước khi thực hiện tại hồ Hoàn Kiếm. Đồng thời Sở KHCN sẽ thành lập tổ công tác chuyên trách về xử lý rùa tai đỏ tại hồ Gươm.
Đại diện Sở KHCN còn cho biết, nhiệm vụ quan trọng đặt ra trước mắt là phải nghiên cứu chế tạo những thiết bị đánh bắt một cách hợp lý. Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô, vừa là danh lam thắng cảnh vừa là địa danh linh thiêng, do đó bất kỳ giải pháp nào cũng phải thực sự cẩn trọng.