Tuy nhiên, để hàng hóa và thương hiệu Việt có vị trí vững chắc tại thị trường đòi hỏi DN cần chú trọng việc xây dựng, phát triển thương hiệu.
Doanh nghiệp chưa có thương hiệu mạnh
Số liệu của ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội cho thấy, sau hơn 6 năm triển khai cuộc vận động, các DN Hà Nội đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã sản phẩm… Đến nay, hơn 90% hàng hóa bày bán ở các siêu thị là hàng Việt Nam, tại khu vực nông thôn, hàng Việt cũng chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh chiếm đến 90%.
Mặc dù đạt được những chuyển biến tích cực, nhưng thực tế cho thấy, hiện nay, hàng Việt chưa có nhiều thương hiệu được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến. Kết quả khảo sát hơn 600 DN và người nước ngoài của Bộ Công Thương cho thấy, ấn tượng của họ về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Nguyên nhân do mới chỉ có 20% DN đầu tư xây dựng thương hiệu mới đạt 20%. Không chỉ có vậy, DN Việt Nam thường hoạt động riêng lẻ, thiếu cơ chế liên kết cũng như cập nhật thông tin... đây là một trong những nguyên nhân khiến thương hiệu Việt chưa được nhiều người tiêu dùng biết tới.
Bên cạnh đó, các DN chỉ chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước, chứ chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài. Đã có nhiều trường hợp, sản phẩm của DN Việt Nam rất nổi tiếng và được ưa chuộng trên thế giới như cà phê Trung Nguyên, mít sấy Vinamit, giày dép Bitis… do chưa chú ý đăng ký nhãn hiệu nên đã bị chiếm đoạt thương hiệu tại một số thị trường nước ngoài, gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Cần giải pháp cụ thể
Lãnh đạo Bộ Công Thương nêu rõ, việc các DN chưa chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu Việt là do DN Việt phần lớn vẫn xuất phát từ mục tiêu ngắn hạn, lợi ích trước mắt, thiếu tầm nhìn dài hạn. Trên thực tế, nhiều DN không nhận thức rõ sự cần thiết tạo dựng và phát triển thương hiệu nên đã không xây dựng được một chiến lược thương hiệu rõ ràng, cụ thể khiến DN bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết, không phải DN lãng quên việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, mà tiềm lực tài chính của DN còn hạn chế khiến việc tạo lập, quảng bá thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận: Mặc dù phát triển thương hiệu đang là chủ đề "nóng" và cấp thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để khắc phục bất cập này, hầu hết các DN đều mong muốn các cơ quan quản lý cần hỗ trợ DN trong quá trình xây dựng thương hiệu theo hướng đưa ra thêm những cơ chế, chính sách hiệu quả bảo vệ hàng hóa trong nước. Hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện hơn, nhằm giúp DN có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu; Tạo cơ hội cho DN tiếp cận mặt bằng trong quá trình xây dựng hệ thống bán lẻ - "cầu nối" giữa nhà sản xuất với NTD. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đăng ký thương hiệu; Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu.
Trước những đề nghị từ phía DN, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Nhằm hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy chế hỗ trợ các DN trên địa bàn TP xây dựng và phát triển thương hiệu năm 2016. Cụ thể, sẽ đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; hỗ trợ đặt tên thương hiệu; thiết kế biểu tượng hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận biết thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu DN, hoặc thương hiệu sản phẩm. Hỗ trợ tư vấn cho DN về chiến lược xây dựng và phát triển, quảng bá thương hiệu.
Việc UBND TP Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN xây dựng và quảng bá thương hiệu cho thấy bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư nâng cấp đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá rẻ phù hợp với thị hiếu từng phân khúc thị trường, nhằm tạo ra hình ảnh đẹp về thương hiệu sản phẩm. Bởi đây là một trong những yếu tố quyết định vị thế của DN và góp phần quan trọng vào hiệu quả nâng cao năng lực cạnh tranh chính là vấn đề thương hiệu.
Người dân huyện Thanh Oai mua sắm tại phiên chợ Việt tổ chức trên địa bàn huyện. Ảnh: Hoài Nam
|
Nhiều chuyên gia cho rằng, với hơn 90% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, thậm chí nhiều DN siêu nhỏ nên mặc dù DN rất muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhưng "lực bất tòng tâm" do tiềm lực tài chính còn hạn chế. |