Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành công vì nói thẳng, làm thật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những quận trung tâm của TP, dân cư đông đúc lại có nhiều khu vực giáp ranh phức tạp, công tác xây dựng và duy trì trật tự văn minh đô thị của Ba Đình gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với phương châm “Nói thẳng, làm thật”, quản lý linh hoạt, có chiều sâu, công tác quản lý đô thị của quận Ba Đình đã thành công cả trên thực tế địa bàn lẫn trong ý thức người dân.

Thay đổi tích cực diện mạo đô thị

Với mật độ dân số cao nhất khu vực nội thành Hà Nội, lại có nhiều điểm giáp ranh giữa các phường, quận, nên công tác quản lý trật tự đô thị, an ninh xã hội của quận Ba Đình cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể quận Ba Đình còn mang một đặc thù khác là có rất nhiều khu tập thể, chung cư cũ đến nay đều đang quá tải nhu cầu dân sinh do mật độ dân số dày đặc đè nặng lên hạ tầng cũ kỹ.
Đường Đào Tấn, quận Ba Đình.  	Ảnh:  Thanh Hải
Đường Đào Tấn, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải
Tuy nhiên, 2 năm 2014 và 2015, thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, diện mạo Ba Đình đã có những đổi thay tích cực với nhiều tuyến đường phố sáng - xanh - sạch - đẹp được duy trì nền nếp, ổn định lâu dài. Có thể dễ dàng nhận thấy chuyển biến tích cực của Ba Đình trên các tuyến phố ngăn nắp, gọn gàng như Kim Mã, Trần Phú, Liễu Giai, Nguyễn Thái Học… Cá biệt như tuyến phố Kim Mã đã giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, để xe bừa bãi; hay phố Nguyễn Thái Học, tuyến phố hiếm hoi xóa được hoàn toàn tình trạng tồn tại hàng rong, quán nước… Trưởng Công an quận Ba Đình - Đại tá Nguyễn Trọng Thái chia sẻ: “Để làm được như vậy, quận đã cử 140 cảnh sát khu vực đến từng hộ dân tuyên truyền vận động, kết hợp với tuần tra liên tục hàng năm trời qua”. Có những cách làm mà có lẽ chỉ Ba Đình mới áp dụng và duy trì được, ví dụ như cứ 1 - 2 hôm trước ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng, Cảnh sát trật tự, Tự quản, Bảo vệ dân phố lại đến từng hộ gia đình vận động không bày bán hàng hóa, không để hàng rong xuất hiện lấn chiếm hè đường. Tại khu vực giáp ranh, lực lượng chức năng quận luôn chủ động đề xuất phối hợp công tác với đơn vị bạn, tự đưa lực lượng ứng trực, giữ gìn trật tự. Đến nay, các điểm nóng như mặt cầu Long Biên, hồ Trúc Bạch, vườn hoa Vạn Xuân… đã không còn đua xe trái phép, hàng quán ngổn ngang.

Không nói chung chung

Công tác giữ gìn trật tự, văn minh đô thị muốn đạt kết quả tốt và duy trì lâu dài, điều cần nhất là cách làm phải thực tế, quyết liệt, không làm theo phong trào, chạy theo phong trào. Định hướng rõ ràng này đã được cả hệ thống chính trị quận Ba Đình vận dụng vào thực tế. Chủ tịch UBND phường Kim Mã Đặng Thành Công nói: “Phường có nhiều tuyến phố hướng tâm, vỉa hè nhỏ, chật hẹp nên tập trung nhiều nhất vào việc vận động người dân xếp đặt xe đúng hàng lối theo vạch kẻ, không dừng đỗ dưới lòng đường gây cản trở giao thông, đặc biệt không cho phép hàng quán bày bàn ghế ra hè”. Đối với phường Thành Công, Trưởng Công an phường - Trung tá Lê Quang Tiến cho biết, tình trạng xây bục bệ, cầu nối đường hè trái quy định, chợ cóc, chợ tạm, trông giữ xe rất phức tạp; do đó, lực lượng chức năng phường lại tập trung hơn cả vào công tác giữ gìn an ninh trật tự, VSMT, phá bỏ và thuyết phục người dân không tự ý làm các bục bệ, cầu nối ảnh hưởng đến kết cấu chung của mặt bằng đô thị. Quận Ba Đình đã chọn một hướng đi rõ ràng, chính xác, yêu cầu các phường tự khảo sát, tìm hiểu loại hình vi phạm phổ biến nhất của mình, tập trung giải quyết triệt để. Cách làm này đã giúp loại bỏ tính hình thức, phong trào trong mỗi đợt ra quân xử lý vi phạm, tránh tình trạng tất cả cùng đi xử lý chợ cóc dù nơi vi phạm nơi không, hay tất cả cùng đi phá bỏ bục bệ dù nơi nhiều nơi ít, gây lãng phí nhân lực, thời gian, tiền của.

Một điều đáng học tập nhất là thái độ, tác phong làm việc của  lãnh đạo quận Ba Đình. Từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND đến Trưởng Công an quận đều nắm rõ đến từng chi tiết số nhà, đoạn phố nào còn có tình trạng vi phạm, cán bộ nào, lực lượng nào làm việc chưa hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Phong Cầm nói: “Chúng tôi không chấp nhận kiểu phát biểu chung chung. Khen chê phải rõ ràng, người đứng đầu đơn vị phải chịu mọi trách nhiệm, không né tránh đổ lỗi cho cấp dưới”. Bên cạnh đó, quận còn áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt khác như cho phép phường sử dụng tiền phạt để đầu tư xây dựng lực lượng, thay thế lực lượng tự quản cao tuổi bằng thanh niên, bảo vệ dân phố trong tuần tra, xử lý vi phạm… Tuy nhiên, như Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình nói: “Giải pháp tốt nhất vẫn là tuyên truyền. Tích cực, kiên trì tuyên truyền để nâng cao được ý thức người dân mới giải quyết được vấn đề từ gốc rễ”.