Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh niên khó kiếm được việc làm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy số thanh niên thất nghiệp giảm nhưng số người lao động có trình độ đại học (ĐH) trở lên thiếu việc làm lại tăng.

218.800 lao động tốt nghiệp ĐH trở lên thất nghiệp
Sáng 29/3, tại hội thảo Công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 4/2016 do Bộ LĐTB&XH tổ chức, ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Quý 4/2016, thị trường lao động có những chuyển biến tích cực: số người thất nghiệp giảm 7.700 người so với quý 3, còn 1.110.000 người, số thanh niên thất nghiệp cũng giảm đi 56.000 người, còn 586.700 người. Song đáng nói là tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học (ĐH) lại tăng lên. Trong số những người thất nghiệp, có 471.000 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật (chiếm 42,43%) thì nhóm trình độ “ĐH trở lên” chiếm nhiều nhất với 218.800 người, tiếp đến là nhóm “cao đẳng” có 124.800 người.

Người lao động trả lời phỏng vấn tuyển dụng tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Lý giải về tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên giảm, nhưng lao động trình độ ĐH trở lên không có việc làm tăng, ông Vinh cho rằng đây là điều bình thường, vì nhóm thanh niên và những người có trình độ ĐH trở lên chỉ giao thoa một phần. Thất nghiệp có trình độ ĐH là tính cả những người lao động ở các độ tuổi. Bản tin thị trường lao động cũng chỉ ra trong số 1.110.000 lao động trong độ tuổi thất nghiệp, số không có việc làm dài hạn từ 12 tháng trở lên chiếm 24%. Trong đó có 54% số người thất nghiệp chưa từng có việc làm. Theo ông Vinh, tỉ lệ 54% thất nghiệp lần đầu cho thấy số lượng rất lớn sinh viên sau tốt nghiệp ĐH, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, sơ cấp, kể cả học sinh tốt nghiệp THPT không đi học tiếp cũng thất nghiệp.
Lĩnh vực xây dựng thu hút nhiều lao động
Theo Bản tin thị trường lao động quý 4/2016, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 5,08 triệu đồng, tăng 143 ngàn đồng so với quý 3. Lao động làm việc thuộc các nhóm nghề chuyên môn kỹ thuật (CMKT) bậc cao, thợ thủ công, thợ vận hành máy và lao động giản đơn đều có thu nhập cao hơn quý 3/2016. Thế nhưng, việc chuyển dịch cơ cấu việc làm còn chậm. Tỉ lệ lao động ngành nông – lâm – thủy sản là 41,54%, giảm 20.000 người so với quý 3/2016. Tỉ trọng việc làm ngành công nghiệp – xây dựng tăng nhẹ.
 Trong đó, số người làm việc trong ngành xây dựng tăng 48.000 người so với quý 3/2016. Theo ông Vinh, sở dĩ có kết quả này là bởi lĩnh vực xây dựng có khởi sắc, sản lượng tăng lên đáng kể, dẫn đến kết quả đầu ra cũng tăng lên. Lao động ngành nông nghiệp giảm là do xu hướng, hơn nữa do điều chỉnh cơ cấu việc làm. Hai yếu tố nữa dẫn đến lao động ngành nông nghiệp giảm chính là lực hút nhân lực lao động từ ngành công nghiệp và dịch vụ. Việc đưa máy móc thiết bị vào sản xuất cũng là lý do người lao động trong ngành nông nghiệp bị đẩy ra ngoài.
Với việc tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện cộng với hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, DN thành lập mới tăng mạnh có tác động tích cực đến thị trường lao động quý 1/2017. Theo dự báo của ông Đào Quang Vinh, quý 2/2017, lĩnh vực xây dựng tiếp tục thu hút nhiều lao động. Trong công nghiệp chế biến chế tạo, ngành điện tử có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên. Đặc biệt một số lĩnh vực như lập trình, lập trình viên, công nhân kỹ thuật liên quan đến công nghệ cao, kỹ sư, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu thu hút nhiều lao động.
Quý 4/2016, tỉ lệ thất nghiệp nhóm “cao đẳng” giảm nhẹ so với quý trước, song vẫn cao nhất 7,38%; nhóm “ĐH” tăng nhẹ lên 4,43%. Tỉ lệ thất nghiệp thanh niên là 7,28% cao gấp hơn 3 lần so với tỉ lệ thất nghiệp nói chung (2,31%).