Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh Oai cần làm rõ hiệu quả kinh tế, xã hội từ ứng dụng khoa học – công nghệ

Tin và ảnh: Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/10, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh dẫn đầu đoàn giám sát đã làm việc với UBND huyện Thanh Oai về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Hội nghị TƯ 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và Luật KH&CN.rn

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Oai, huyện hiện có 20 xã và 1 thị trấn, 51 làng nghề (trong đó có 16 làng nghề truyền thống và 35 làng nghề mới). Từ năm 2011-2015, UBND huyện đã đầu tư ngân sách trên 42 tỉ đồng cho việc ứng dụng vào KHCN và triển khai các mô hình. 
Trong đó, một số mô hình đạt hiệu quả như, trồng hoa ly ở một số xã, thị trấn: Bình Minh, Thanh Cao, Thanh Văn, Cao Dương, Cao Viên, thị trấn Kim Bài, Xuân Dương với tổng diện tích trên 6.000 mét vuông, hiệu quả gấp 3-4 lần so với cấy lúa; Xây dựng thương hiệu làng nghề sản phẩm: Nón lá làng Chuông, Lồng chim Dân Hòa; mô hình nuôi gà ri lai thả vườn (xã Cao Dương); nuôi cá Lăng (xã Thanh Cao)… nuôi cá trắm cỏ sử dụng thức ăn xanh kết hợp thức ăn công nghiệp tại xã Tân Ước...
 Trưởng đoàn đoàn giám sát, Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ, lãnh đạo huyện Thanh Oai.
Huyện Thanh Oai cũng đã đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bảo vệ môi trường với mô hình chăn nuôi lợn tại HTX Hoàng Long, được TP Hà Nội đầu tư hỗ trợ trên 4 tỉ đồng cho việc xây dựng hầm biogas, thiết bị làm mát, khu giết mổ, hệ thống xử lý môi trường.

Các ý kiến đoàn giám sát cho rằng, Thanh Oai cần đánh giá thông qua các ứng dụng KHCN, cần làm rõ nông dân được gì... Phó GS.TS Bùi Thị An đề nghị, thu nhập huyện còn thấp nên tập trung nguồn lực có trọng điểm vào 2-3 sản phẩm, có trọng tâm, tránh dàn trải.

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng đoàn Vũ Hồng Khanh nhận xét: Huyện Thanh Oai đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng KHCN trên địa bàn; có chủ trương, kế hoạch và tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, ứng dụng các tiến bộ KHCN trong các lĩnh vực nông thôn, nông dân đạt kết quả.

Trưởng đoàn đoàn giám sát, Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nghe giới thiệu về hệ thống sản xuất miến dong bán tự động tại huyện Thanh Oai 
Đồng chí Vũ Hồng Khanh cũng đề nghị huyện cần có thống kê lại các đề tài nghiên cứu theo đúng quy định của Luật KH&CN. Cụ thể, mỗi lĩnh vực có bao nhiêu đề tài (từ năm 2012 khi triển khai Nghị quyết số 20, từ năm 2014 khi Luật KHCN có hiệu lực). Qua đó, đánh giá cụ thể, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của việc ứng dụng các đề tài KHCN vào địa phương để nhân rộng. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách để có thể đưa Luật KHCN vào cuộc sống.

Đồng chí Vũ Hồng Khanh đề nghị, huyện Thanh Oai cần đẩy mạnh marketing, quảng bá sản phẩm. “Thị trường lồng chim giờ tiêu thụ mạnh, nhưng hiếm thấy sản phẩm này của Thanh Oai”, đồng chí Vũ Hồng Khanh chia sẻ. Do vậy, huyện cần xem xét việc xây dựng thương hiệu như: nón làng Chuông và lồng chim, từ khi dán nhãn hiệu, hiệu quả tiêu thụ ở thị trường, mở rộng ra sao.... Trên cơ sở đó, cần tập trung tái cơ cấu, vật nuôi, cây trồng, sản xuất làng nghề, quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, bảo đảm môi trường phát triển bền vững, hiệu quả.