Kinhtedothi - Năm 2014, các DN nhỏ và vừa (DNNVV) đóng góp cho GDP của Hà Nội khoảng 38,9%. Trong số các DN trụ vững trong năm qua, những DN kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và nông, lâm sản có chỉ số tăng trưởng tốt nhất. Đây là khẳng định của ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Tự lực cánh sinh
Ông có thể cho biết, yếu tố nào đã giúp những DN có tăng trưởng tốt trong năm qua?
- Trước hết, DN kinh doanh tốt là do chính bản bản thân họ đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, duy trì được bạn hàng truyền thống. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ, tạo điều kiện vô cùng hiệu quả từ TP. Riêng về vốn, năm 2014, TP đã ban hành 2 Quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay và Quyết định về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, nên các DN cũng giảm được lãi vay hàng tháng. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng trong năm qua cũng được điều chỉnh hợp lý, mặt bằng lãi suất duy trì đầu năm khoảng 10%, giữa năm khoảng 8,5%.
Lãi suất vay ngắn hạn và trung hạn tương đối thấp đối với các ngành thương mại, dịch vụ, nông, lâm sản. Những DN năng lực tốt, hoạt động ổn định chỉ phải vay với lãi suất 7,5 - 8%. Có thêm 2 Quyết định như đã kể trên thì mỗi tháng được hỗ trợ 0,2%, cộng cả năm là 2,4%.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành như Sở Công Thương, Sở KH&ĐT cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, mời nhiều DN nước ngoài muốn tìm hiểu đầu tư đến Hà Nội; hỗ trợ xúc tiến đi Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar, châu Phi..., nhờ đó ký kết được nhiều hợp đồng.
Sở Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội tổ chức nhiều chương trình Hàng đổi hàng, bán hàng về nông thôn; Hiệp hội cùng với MTTQ TP Hà Nội tổ chức vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam chất lượng cao... Hiệp hội cũng nhờ Tham tán thương mại tại các nước giới thiệu bạn hàng, đối tác mới cho DN. Về đào tạo, Hiệp hội và Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ thuộc Sở Công Thương mở nhiều lớp đào tạo kỹ năng cho lãnh đạo, nhân viên của DN; mở lớp đào tạo 5S quản trị cấp cao...
Lắp ráp bóng đèn tiết kiệm điện tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Thanh Hải
|
Ông có kiến nghị gì với TP nhằm giúp các DNNVV yên tâm SXKD?
- Các DN đánh giá cao các biện pháp hỗ trợ lãi suất vốn vay và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn TP mở rộng tiêu chí được tiếp cận vay ưu đãi để nhiều DN được thụ hưởng hơn nữa. Ví dụ, trong Quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư yêu cầu DN phải đóng thuế đầy đủ, không có nợ xấu, ưu tiên DN lĩnh vực thủy hải sản, ngành chủ lực, nhưng những DN không thuộc ngành chủ lực thì không được hỗ trợ.Hiện nay, Hiệp hội có hơn 1.000 hội viên nhưng năm qua mới chỉ có 16 DN đủ điều kiện được vay ưu đãi.
Đã thay đổi phương pháp làm việc
Theo cảm nhận của ông, các TTHC liên quan đến DN đã được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho DN? Thủ tục nào cần được cải cách hơn nữa?
- Theo đánh giá của DN, các TTHC liên quan tới DN đã có sự cải thiện đáng kể, năng lực chuyên môn của cán bộ hành chính Sở KH&ĐT đã được nâng cao hơn trước. Cơ sở vật chất cũng tốt hơn để DN đến giao dịch thuận tiện. Sở cũng có trung tâm tháo gỡ khó khăn cho DN (Trung tâm Hỗ trợ DNNVV).
Tuy nhiên, để đơn giản hóa TTHC hơn nữa, Sở KH&ĐT cần đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục qua online, tập trung tất cả các thủ tục về "một cửa".
Tôi mạnh dạn đề xuất cần tăng cường công tác giám sát DN sau đăng ký kinh doanh. Hiện nay, Sở KH&ĐT mới chú trọng khâu cấp phép kinh doanh, cấp phép đầu tư, nhưng sau cấp phép, DN hoạt động ra sao, có tốt không hay đã phá sản, đi bán hóa đơn, lừa đảo...? Sở KH&ĐT nên có lộ trình lập một tổ liên ngành sau cấp phép kinh doanh, bao gồm Cục Thuế, Hải quan, Công Thương, Công an, ngành thống kê... để nắm chắc số lượng DN sau đăng ký tồn tại như thế nào. Qua đó, mới có thể chọn ra những DN hoạt động tốt, tránh lãng phí tiền của cho Nhà nước.
Các thủ tục thuế, hải quan thì sao, thưa ông?
- Hiện nay, ngành thuế, hải quan đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kê khai thuế qua mạng nên giảm thiểu thời gian đáng kể cho DN, bảng hướng dẫn làm các thủ tục cho DN được công khai minh bạch, thời gian nộp thuế dài hơn... Ngành Hải quan đã nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ hành chính.Các DN cảm nhận năm 2014, các cơ quan quản lý của TP đã có sự thay đổi cơ bản về phương pháp làm việc, từ quản lý sang đồng hành với DN, hiểu DN hơn, có chính sách sát hơn với DN.
- Xin cảm ơn ông!
Năm 2014, Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD cho DN trên địa bàn của UBND TP do Sở KH&ĐT là cơ quan thường trực đã tổ chức 9 cuộc gặp gỡ cộng đồng DN thông qua các hội nghị, hội thảo để từ đó giải quyết các vướng mắc, kiến nghị trong hoạt động SXKD của DN. Các sở, ngành như: Công Thương, TT&TT, Đảng bộ khối DN TP; Cục Thuế, Cục Hải quan định kỳ hàng tháng thường xuyên tổ chức hội nghị gặp DN để trao đổi, giải đáp các chính sách mới của ngành; UBND một số quận, huyện cũng tổ chức các hội nghị gặp gỡ DN trên địa bàn, đồng thời chủ trì kết nối ngân hàng với DN... |