Thành phố sáng tạo từ những giá trị di sản

Trương Minh Tiến - Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 10/2019, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự là thành viên mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Trong các nhóm giải pháp hiện thực hóa tầm nhìn của Hà Nội khi tham gia mạng lưới Thành phố Sáng tạo, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được quan tâm thực hiện.

Kho báu của Hà Nội

Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến đang sở hữu những giá trị di sản văn hóa lớn nhất cả nước. Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể đồ sộ, phong phú thì các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó phải kể đến các hoạt động lễ hội truyền thống đa dạng, nhiều màu sắc đã góp phần tạo nên bản sắc của mình. Các lễ hội truyền thống ở Hà Nội được ví như “Bảo tàng sống” về văn hóa, ở đó chứa đựng ước vọng, tình cảm, sinh hoạt, phong tục tập quán... của cộng đồng, được lưu truyền, bổ sung, chọn lọc qua nhiều thế hệ. Là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ở nông thôn xưa, lễ hội truyền thống ra đời, nhằm tôn vinh, tưởng nhớ vị thần có công với cộng đồng làng, xã, đất nước. Đó là Thần rừng, Thần núi, Thần nước, hoặc người có công giúp cộng đồng khai sơn phá thạch, tạo dựng nghề nghiệp hay những vị anh hùng đã hy sinh vì sự bình yên của dân làng, của dân tộc... Có thể kể đến một số lễ hội truyền thống tiêu biểu ở Thăng Long - Hà Nội:
 Lễ hội đường phố trong không gian phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Lễ hội Gióng, phụng thờ Đức Thánh Gióng, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tổ chức ở đền Sóc - Phù Linh - Sóc Sơn từ mùng 6 - 8/1 âm lịch và đền Phù Đổng - Gia Lâm từ ngày mồng 8 - 9/4 âm lịch hàng năm). Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (Ba Vì) tôn vinh, phụng thờ Đức thánh Tản Viên, được tổ chức từ 13 - 15 tháng Giêng ở vùng Xứ Đoài, đặc biệt tập trung tại cụm di tích đền Thượng (chính cung Thần Điện), đền Trung, đền Hạ thuộc xã Minh Quang và xã Ba Vì. Lễ hội Cổ Loa - Đông Anh khai hội ngày mồng 6 tháng Giêng, kéo dài đến 18 tháng Giêng nhằm tôn vinh vua An Dương Vương Thục Phán, người đã có công xây dựng, bảo vệ đất nước, gắn với lịch sử xây thành Cổ Loa và truyền thuyết An Dương Vương - Mỵ Châu - Trọng Thủy. Lễ hội chùa Hương ở xã Hương Sơn - Mỹ Đức, khai hội ngày 6 tháng Giêng và kéo dài trong 3 tháng, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế hàng năm.
Lễ hội gò Đống Đa được tổ chức ngày mồng 5 tháng Giêng, tôn vinh thân thế sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thắng vang dội Ngọc Hồi - Đống Đa. Lễ hội Hai Bà Trưng phụng thờ, tôn vinh anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị tổ chức tại Hạ Lôi, Mê Linh, khai mạc ngày mồng 6 tháng Giêng và tại Hát Môn, Phúc Thọ, khai mạc ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch.

Một trong những lễ hội giàu tính truyền thống là lễ hội 5 làng Mọc gồm 5 làng vùng kẻ Mọc (làng Giáp Nhất; Quan Nhân; Chính Kinh; Cự Lộc thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và làng Phùng Khoang thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) được tổ chức vào ngày 12 - 13 tháng 2 âm lịch. Hội lệ tổ chức hàng năm; Đại đám (cả 5 làng) tổ chức 5 năm 1 lần. Lễ hội truyền thống 5 làng Mọc ra đời nhằm tôn vinh các vị Thành hoàng làng, nhưng lại thể hiện sự giao lưu kết chặt tình thân của Nhân dân các địa phương trong vùng. Ngoài ra, Hà Nội còn có lễ hội hết sức đặc sắc đó là: Lễ hội Tứ Trấn Thăng Long - Hà Nội.

Sáng tạo từ lễ hội

Có thể nói, dựa trên nền tảng truyền thống, những năm qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều lễ hội mới. Đó là lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội, lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, lễ hội ẩm thực Hà Nội…

Đã 3 năm (từ năm 2017 - 2019, năm 2020 không tổ chức vì dịch Covid-19), lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội đã trở thành điểm hẹn của hàng triệu du khách và người dân Hà Nội tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ. Trong không gian trải dài từ trước tượng đài đến nhà Bát Giác sang không gian tại Cung thiếu nhi, du khách không chỉ được ngắm loài hoa đến từ Nhật Bản, hay các tiểu cảnh được tạo ra từ các loài hoa nổi tiếng của Việt Nam như cúc, lan, đồng tiền… mà còn được trải nghiệm trà đạo, thư pháp, mặc thử Kimono, xem triển lãm ảnh lễ hội, phong cảnh Nhật Bản hay các sắc màu văn hóa của Việt Nam.

Năm 2020 là năm thứ 2 lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại được diễn ra tại Hà Nội. 17 nghệ nhân nặn tò he mang đến lễ hội không chỉ các sản phẩm tạo hình truyền thống, mà bức họa về các danh thắng đặc sắc của Hà Nội. Chất liệu nặn tò he cũng được sáng tạo để gìn giữ sản phẩm trong 1 năm, thay vì 1 tuần như trước đây. Nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã, lụa Hà Đông… cũng có dịp khoe nghề trong không gian lễ hội bằng các sản phẩm mang tính ứng dụng cao.

Bên cạnh những lễ hội truyền thống cần bảo tồn, có thể nói Hà Nội đang sáng tạo ra các lễ hội giàu tính văn hóa, trở thành điểm hẹn của đông đảo người dân và du khách. Song song với việc giữ gìn nét đẹp cổ truyền, những người con của Hà Nội hôm nay còn phải phát huy mang tính tiếp nối để di sản được sống lâu trong lòng người dân và du khách, đưa Hà Nội xứng với danh hiệu Thành phố sáng tạo mà UNESCO đã vinh danh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần