Thành phố thông minh không thực hiện theo phong trào

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là lưu ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020, với chủ đề "Đô thị thông minh - hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng tổ chức, khai mạc chiều 22/10 tại Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đã làm sáng tỏ nhiều chân trời tri thức mới. Trong đó, mở rộng thêm không gian mới cho phát triển đô thị thông minh, không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Để đạt được điều này, cần tập trung vào các nội dung quan trọng như: Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong CMCN 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.
Phát triển thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.
Đồng thời, cần tiếp cận đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.
Thủ tướng lưu ý các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh. Đồng thời, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.
“Phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn” trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020.
Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020 được tổ chức là sự kiện gắn với việc sơ kết 1 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đô thị thông minh tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" với các hoạt động trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy việc chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và hợp tác giữa các đô thị của Việt Nam với mạng lưới đô thị trong khu vực ASEAN, qua đó đẩy nhanh tiến trình triển khai hiệu quả Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế; cùng hơn 60 diễn giả là các chuyên gia đầu ngành về phát triển đô thị và trên 35 nhà cung cấp giải pháp hàng đầu thế giới.
Có thể nói, sau gần 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Khu vực này đóng góp tới 70% GDP của cả nước, hệ thống đô thị đã tạo các cực tăng trưởng trong khu vực và ngày càng khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh những thành tựu, thời gian qua cũng cho thấy, hệ thống đô thị của Việt Nam phát triển còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị và giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn; chênh lệch phát triển và thu nhập giữa các vùng chậm được thu hẹp; nhiều vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông chưa được giải quyết…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày mô hình khu đô thị Ecopark.
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên, các diễn giả đều cho rằng một trong những giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, phát triển đô thị trong thời gian tới trên cơ sở tận dụng tốt nhất những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Do đó phát triển đô thị thông minh sẽ là hướng đi tất yếu, là nhu cầu cấp thiết trong quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị Việt Nam. Các đô thị cần vận hành, tối ưu, thông minh hơn, nguồn tài nguyên cần được sử dụng hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý phát triển đô thị không chỉ giúp phát triển kinh tế xã hội mà còn giải được bài toán liên quan đến quy hoạch đô thị, dịch vụ hành chính công, y tế, giáo dục…
Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng để xây dựng TP thông minh bắt đầu từ việc xác định nguồn lực, không chỉ là cơ sở hạ tầng đường sá, hệ thống công nghệ thông tin mà còn là nguồn lực về con người từ đó sử dụng hiệu quả các nguồn lực tốt hơn nhằm phục vụ người dân tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy mỗi địa phương có cách tiếp cận khác nhau nhưng đều có điểm chung là đều lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển. Để các giải pháp thông minh sớm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cần nhanh chóng thiết lập nền tảng mở, dữ liệu mở khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng tham gia.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trên cơ sở Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam”, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định 950). Đây là văn bản pháp lý quan trọng, khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong bối cảnh nỗ lực toàn cầu đang ưu tiên phát triển đô thị thông minh, nhằm giải quyết các vấn đề lớn về phát triển đô thị một cách bền vững song song với mục tiêu thúc đẩy vai trò của các đô thị trong nền kinh tế toàn cầu, gia tăng sự cạnh tranh, thu hút các nguồn lực phát triển cũng như yêu cầu hợp tác nỗ lực chung ứng phó với những biến động khó dự báo của BĐKH và những nguy cơ rủi ro không lường trước.
 Các chủ đầu tư bất động sản đều hướng đến việc đẩy mạnh công tác 4.0 vào sản phẩm.
Tham luận tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chia sẻ, để xây dựng TP thông minh, Hà Nội đã tập trung vào các nhóm giải pháp đó là: Đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin trong quy hoạch phát triển đô thị; Phát triển hạ tầng đô thị thông minh; Phát tiện ích thông minh cho khu dân cư thông minh; Hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong việc lập quy hoạch đô thị; Tuyên truyền phổ biến nâng cao kiến thức cho người dân, tổ chức về đô thị thông minh.
Về ưu tiên cho đô thị thông minh thời gian tới, TP Hà Nội tập trung hai vấn đề đó là phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh và tập trung xây dựng khu cư dân thông minh. Để thực hiện hai vấn đề này, TP tập trung 4 thành phần cơ bản: Hình thành trung tâm điều hành thông minh gồm 8 chức năng; Hình thành và đưa vào khai một số thành phần cơ bản của hệ thông giao thông thông minh; Du lịch thông minh; Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (đã cập nhật được 90%) tiến tới  xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất quản lý quy hoạch kiến trúc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần