Bún thang thường là món ăn cho những buổi gặp mặt vui vẻ gia đình, những ngày lễ, Tết. Bún thang cũng là dịp để các bà nội trợ trổ tài khéo léo, cầu kỳ tinh tế của mình, để người ăn nhẩn nha thưởng thức đầy đủ mùi vị ẩm thực tinh túy không trộn lẫn. Bún thang đích thực của người Hà Nội cần hơn 20 loại nguyên vật liệu, kể ra đã thấy phức tạp, người quen sống vội, sống nhanh khó chấp nhận, khó làm được. Có lẽ vì cuộc sống vội vã mà những bát bún thang ở nhà hàng bây giờ cũng đơn giản đi nhiều, thậm chí tối giản quá mức khiến nhiều người còn thốt lên rằng, ăn bún thang nhiều khi không khác gì bát bún gà là mấy.
Nhưng với những người yêu ẩm thực Hà Nội vẫn muốn giữ cho mình hương vị cũ. Và để làm món bún thang đích thực Thăng Long Hà Nội cần: Gà mái tơ, tôm he nõn cả con, tôm tươi, trứng vịt, ruốc tôm bông, giò lụa, củ cải thái sợi nhỏ phơi tái, bún Phú Đô - Mễ Trì sợi nhỏ để rối, hành khô nướng, gừng, tỏi, hành hoa, rau răm, nước mắm ngon, chanh ớt, hạt tiêu, nấm hương, dầu cà cuống, mắm tôm, rau thơm Láng, rượu trắng, mỡ gà, đường, hạt tiêu. Mỗi thứ ấy đều được chế biến cẩn trọng, tỷ mỉ để sao cho trứng tráng mỏng, cắt sợi phải dài, nước dùng phải có mùi tôm he…
Khi ăn, bày các thứ ra bàn gần bếp, xắp thứ tự vào bát gồm bún, thịt gà, củ cải, giò, trứng, ruốc tôm, hành tươi, rau răm thái khúc, rắc hạt tiêu, nhỏ vài giọt dầu cà cuống, chan nước dùng nóng bưng ra bàn. Trên bàn đã để sẵn các đĩa nước mắm, mắm tôm, rau thơm, chanh, ớt… để thực khách tùy dùng thêm. Người Hà Nội tinh ý, nên bát, đĩa, thìa dùng để ăn bún thang cũng phải là sứ màu trắng tinh không hoa văn cho nổi màu sắc của bát bún. Và tất nhiên khi ăn cũng phải nhẩn nha, tỉ mẩn, ngẫm nghĩ thưởng thức không thể ào ào vội vã cho xong bữa.