Kinhtedothi - Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) là một xã có nhiều nghề truyền thống, trong đó nghề kim khí đang là nghề thu hút nhiều lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất, địa phương còn đặc biệt quan tâm tới vấn đề cải tạo và bảo vệ môi trường làng nghề.
Phát triển lớn mạnh
Trong bối cảnh hiện nay nhiều làng nghề hoạt động không hiệu quả, lay lắt tồn tại thì làng nghề kim khí Thanh Thùy lại nổi lên như một điểm sáng trong việc năng động chuyển mình. Thanh Thùy có 6 thôn thì có tới 5 thôn tham gia làm nghề sản xuất kim khí. Với lịch sử hơn 100 năm, những sản phẩm ban đầu đơn giản chỉ là những chiếc đinh trống, đinh thuyền, nhưng với sự năng động và nhạy bén, người thợ Thanh Thùy đã tìm tòi để sản xuất ra nhiều sản phẩm, mới bắt kịp với nhu cầu của thị trường. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề hiện nay như: Ổ khóa, nắm tay cửa, ốc vít và đỉnh cao là những đồ điện tử, linh phụ kiện xe máy. Để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, các cơ sở sản xuất nơi đây đã bỏ ra hàng tỉ đồng nhập công nghệ máy móc hiện đại như máy dập, máy bào, cắt… mỗi ngày làng nghề xuất ra thị trường hàng chục nghìn linh kiện các loại. Sản phẩm của làng không chỉ được bán ở trong nước mà nhiều DN nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc… cũng tìm về tận nơi để đặt hàng.
Anh Trần Văn Lưu đang làm việc trong xưởng kim khí của làng nghề Thanh Thùy.
|
Nhờ việc nhanh nhạy với thị trường và cải tiến công nghệ, hiện nay làng nghề Thanh Thùy đang phát triển mạnh như vũ bão. Làng nghề đã có đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, bộ mặt nông thôn nơi đây đang khởi sắc từng ngày. Nghề cơ khí đã góp phần đưa tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ của xã tăng lên 80% năm 2015. Hiện nay toàn xã có hơn 1.000 hộ sản xuất, với trên 300 cơ sở sản xuất quy mô lớn. Tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương và các vùng lân cận. Nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 lên 30 triệu đồng.
Môi trường được cải thiện
Sản xuất phát triển cũng đồng nghĩa với việc môi trường bị tác động nghiêm trọng. Đối với nghề kim khí thì quá trình sản xuất liên tục phát ra tiếng ồn, ô nhiễm không khí gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đáng nguy hại hơn cả là việc nước thải chưa qua xử lý từ các xưởng mạ kẽm, sơn tĩnh điện xả thẳng ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Tuy nhiên đó chỉ là tình trạng của vài năm trước, hiện nay với sự cố gắng nỗ lực của chính quyền địa phương và người sản xuất, cộng thêm sự giúp đỡ của TP, môi trường làng nghề nơi đây đã được cải thiện đáng kể.
Ông Nguyễn Đức Tuế - Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy cho biết: Chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng Quy ước bảo vệ môi trường làng nghề, mở các lớp tập huấn giúp người dân nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức bảo vệ môi trường. Địa phương đã triển khai xây dựng xong điểm công nghiệp làng nghề và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Năm 2013, xã được TP quan tâm triển khai dự án VIPEC do Chính phủ Canada tài trợ nhằm nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường một cách hiệu quả, gọi tắt là mô hình 5S. Mô hình đã hướng dẫn từ khâu quản lý mặt bằng, phân chia khu vực trong nhà xưởng, giúp quá trình xuất, nhập nguyên liệu dễ dàng hơn. Sau hơn 3 năm triển khai, lượng khí thải, nước thải từ các hộ sản xuất đã giảm thiểu rõ rệt, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao.
Tuy nhiên hiện nay điểm công nghiệp làng nghề vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân, chủ yếu các cơ sở sản xuất vẫn hoạt động xen kẽ trong khu dân cư, gây khó khăn trong việc quản lý và bảo vệ môi trường. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của chính quyền và người dân nơi đây là tiếp tục nhận được sự quan tâm của TP trong việc mở rộng điểm công nghiệp làng nghề. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xử lý nước thải đã được phê duyệt từ năm 2014, nhằm xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề ở địa phương hiện nay.