Thanh toán điện tử trong hoạt động ngân hàng: Người dân hưởng lợi

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế 90% không dùng tiền mặt vào năm 2020 bằng cách tăng thanh toán điện tử.

Trước xu thế hiện nay, các ngân hàng (NH) đã liên kết rộng rãi với nhiều DN để phát triển các tính năng trong thanh toán điện tử.
Tăng tiện ích để khuyến khích dùng thẻ

Chị Nguyễn Thanh Hoa ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, trước kia, cứ mỗi lần đi siêu thị, chị lại tìm đến các trụ ATM để rút tiền mặt, sau đó mới vào mua sắm, nay thói quen đó đang dần thay đổi. Theo chị Hoa, trong siêu thị quầy nào cũng có máy quẹt thẻ rất tiện lợi lại không bị mất phí. Hiện có nhiều người dân khi mua hàng đã lựa chọn thanh toán bằng thẻ và chỉ dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống hoặc các cửa hàng nhỏ lẻ. Bởi ngoài việc khỏi mất phí khi rút tiền mặt, thanh toán qua thẻ đôi khi còn được các đơn vị bán hàng giảm giá, khuyến mại.

Thanh toán hàng hóa bằng thẻ tín dụng tại Co.op Mart. Ảnh: Nguyễn Thạch

Nắm bắt được tâm lý này, các NH nhanh chóng chủ động trong việc liên kết với các công ty, siêu thị, cửa hàng... với nhiều khuyến mãi để cung cấp dịch vụ thanh toán. Mới đây, Eximbank phối hợp với Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) triển khai dịch vụ chuyển tiền liên NH qua số tài khoản của 38 NH khác, áp dụng cho khách hàng chuyển tiền nhanh trên internet banking; Tại NH VIBbank, khi mua vé tàu điện tử, khách hàng có thể thanh toán ngay bằng các loại thẻ tại tất cả 160 chi nhánh/phòng giao dịch VIB trên toàn quốc… Hay như NH ACB đã tung ra chương trình giảm 30 đến 50% phí chuyển tiền cho khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến và miễn phí đăng ký dịch vụ, phí thường niên, phí thanh toán hóa đơn tự động... Techcombank cũng thông tin, từ ngày 27/9 đến nay, NH đã áp dụng chương trình "Zero fee", toàn bộ các giao dịch điện tử của khách hàng đều được miễn phí, kể cả các giao dịch chuyển khoản nội, ngoại mạng nhằm tăng trải nghiệm cho khách.

“Khi thành thói quen, thanh toán điện tử sẽ phát triển rất nhanh”

Hiện việc thanh toán các hóa đơn dịch vụ như điện, nước; cước viễn thông, truyền hình; vé máy bay, vé tàu, học phí, đặt phòng khách sạn… đều có thể thực hiện qua các kênh: thẻ NH, NH trực tuyến, điện thoại di động (mobile banking), ví điện tử... một cách nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó, việc thanh toán dịch vụ tài chính như trả lãi vay, gốc vay hợp đồng bảo hiểm, hay nộp tiền thuế, tiền đầu tư chứng khoán, nhận tiền chuyển từ các công ty chứng khoán đã giúp DN và người tiêu dùng không phải mất thời gian đi lại.

Qua tìm hiểu tại nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, thói quen dùng tiền mặt trong mua sắm của người dân đã giảm đáng kể và chi tiêu qua thẻ đang tăng lên rõ rệt. Với những khách hàng thanh toán bằng thẻ, do NH liên kết với đơn vị chấp nhận thẻ và thường có những chính sách ưu đãi, giảm giá riêng, hoặc được chiết khấu 3 - 5% trên hóa đơn... nên cũng thu hút được nhiều khách hàng mua hàng thanh toán qua thẻ.

Trưởng phòng NH điện tử VietinBank Lê Anh Tuấn cho biết, khâu khó khăn nhất là việc thuyết phục khách hàng lớn tuổi thực hiện nhận lương hưu qua thẻ. Tuy nhiên, do nỗ lực liên tục phối hợp giữa các bên nên số lượng trong những tháng qua đã tăng nhanh. Mới đây, NHNN cũng có văn bản đề nghị các NH và Napas hợp tác chặt chẽ với bảo hiểm xã hội để đẩy mạnh thanh toán điện tử trong phối hợp thu nộp và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm tự nguyện...

Trong báo cáo mới công bố của NH Nhà nước trong 7 năm qua, số tài khoản NH đã tăng từ 16,8 triệu tài khoản trong năm 2010 lên 67,4 triệu vào năm 2017. Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ NH truyền thống ở vùng sâu vùng xa hoặc nông thôn vẫn còn thấp. Đây là thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng để các ngân hàng khai thác nhằm tăng hiệu quả mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.
Hiện cả nước đã có 67 NH thương mại cung ứng dịch vụ internet banking, 37 NH thương mại cung ứng dịch vụ mobile banking và nhiều tổ chức trung gian cung ứng các dịch vụ thanh toán điện tử. Tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán giảm còn khoảng 12%, từ mức hơn 14% của năm 2010. Với tốc độ phát triển như hiện nay, đến năm 2020, tỷ trọng này sẽ giảm còn dưới 10%.