Theo Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Hiệu quả từ cách làm của ngành điện
Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, đến nay, khách hàng của EVN HANOI có thể trả tiền điện tại: Quầy thu tiền điện bất kỳ thuộc 228 phòng giao dịch khách hàng của các công ty điện lực/các đội quản lý điện; phòng giao dịch bất kỳ của 14 ngân hàng trên địa bàn Hà Nội, hoặc các điểm thu tổ chức trung gian như ECPay, Payoo, M-Service, Viettel Telecom... Khi đi thanh toán, khách hàng chỉ cần mang theo thẻ khách hàng sử dụng điện/mã khách hàng và được miễn phí toàn bộ các giao dịch thu hộ tiền điện với thủ tục nhanh chóng, thuận tiện. Tính đến đầu năm 2017, EVN HANOI đã có 560.000 khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, chiếm 24,35% tổng số khách hàng sử dụng điện trên toàn địa bàn TP.
Không chỉ với ngành điện, các ngành thuế, kho bạc, hải quan Hà Nội… cũng tích cực ký kết và triển khai các thỏa thuận tổ chức phối hợp thu ngân sách. Chị Thu Thanh Hằng, kế toán một DN lớn trên địa bàn Hà Nội cho hay, thay vì phải mang cả trăm triệu đồng nộp như trước, giờ đây nhân viên của công ty chỉ cần click chuột là có thể hoàn thành các thủ tục nộp tiền, có thể thực hiện thanh toán mọi lúc, mọi nơi...
Theo thống kê của Cục Thuế Hà Nội, hiện 97% DN trên địa bàn kê khai qua mạng và trên 95% nộp thuế điện tử. Cục Thuế đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách thủ tục hành chính như khai thuế, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, hoàn thành thí điểm hoàn thuế điện tử, thu thuế qua POS… tạo điều kiện tốt nhất, giúp giảm thời gian và chi phí cho người nộp thuế, DN.
Việc đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có thể giúp DN, người dân… ngồi ngay tại nhà và sử dụng các lệnh giao dịch online chi trả trên web nhập hàng các hóa đơn, mua vé máy bay, tàu hỏa, mua xăng dầu... Vừa qua, Hà Nội cũng triển khai thí điểm thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động, hay như hệ thống xe buýt gần 100% có wifi miễn phí, tiến tới lắp hệ thống cảm biến nhận diện khuôn mặt để hỗ trợ thanh toán; các đầu đọc thẻ cho phép tự động trừ tiền vào tài khoản khách hàng khi họ cầm thẻ ngân hàng đi lên xe buýt…
Tập trung vào 4 nhóm đối tượng
Trên thực tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt không những góp phần thúc đẩy tính an toàn cho các giao dịch, tạo lập cơ chế bảo vệ hiệu quả người tiêu dùng mà còn giúp nâng cao được hiệu quả quản lý, giám sát của cơ quan quản lý; minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội; góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế.
Nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt tại Hà Nội được đánh giá là rất lớn, nên Hà Nội đã chung tay cùng các đơn vị triển khai và cơ quan Nhà nước trong việc phát triển thêm công cụ hỗ trợ thanh toán như máy POS, điểm phát wifi miễn phí, internet 4G… Đồng thời, yêu cầu các đơn vị giáo dục, y tế, các cơ quan hành chính công đi đầu trong công tác thanh toán không dùng tiền mặt khi cung cấp dịch vụ.
Tuy vậy, phương thức này chỉ hiệu quả ở dịch vụ công, còn với thương mại điện tử, người dân vẫn ngại dùng thẻ thanh toán, một phần là do thói quen dùng tiền mặt. Kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện tỷ lệ người mua sắm qua mạng thanh toán trực tuyến vẫn còn thấp. Thậm chí, nhiều người dù đang sở hữu thẻ ATM nhưng vẫn giữ thói quen trả tiền mặt.
Với Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung vào 4 nhóm đối tượng để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn: Giới trẻ; hệ thống siêu thị, nhà hàng, cơ sở dịch vụ có khách quốc tế; hệ thống bệnh viện lớn; toàn bộ hệ thống phương tiện giao thông (chi trả nhiên liệu, chi phí tham gia giao thông…). Để khuyến khích người dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, ở mỗi lĩnh vực, sau khi người dân dùng thẻ thanh toán chi trả, cần cộng điểm trên thẻ để khuyến khích. Điều này được nhiều quốc gia phát triển đang áp dụng tích lũy điểm cộng thưởng bằng tiền. Bên cạnh việc tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho phát triển thanh toán điện tử thì sự minh bạch, tăng tính bảo mật và giám sát hợp lý của Ngân hàng Nhà nước là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường lòng tin của người dân và giới DN vào hệ thống thanh toán điện tử.
Dự kiến đến hết năm 2017, tối thiểu 55% dịch vụ công của TP Hà Nội sẽ được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. TP hiện có 391 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, đạt tỷ lệ gần 20,4%. Một số nghiên cứu cho thấy nếu một nền kinh tế sử dụng 90% thanh toán điện tử thì GDP sẽ tăng thêm khoảng 1%. Ở Việt Nam, cần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, trước mắt là ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… khuyến khích dân chúng là những người trưởng thành mở tài khoản ở ngân hàng. TS Lê Xuân Nghĩa Chuyên gia kinh tế |