Huyện Thanh Trì nằm ở phía nam thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố 10 km về phía Nam với 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Văn Điển (huyện lỵ) và 15 xã. Là một trong năm huyện nằm trong đề án Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận từ nay đến năm 2025 nên cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội và người dân có rất nhiều việc phải làm. Đối thoại chính là kênh ngắn nhất để huyện và người dân chia sẻ và có tiếng nói chung về tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội thường nhật.
Nội dung đa dạng, chất lượng
Đầu tiên, điều mà người dân Thanh Trì ghi nhận đó là huyện ủy, HĐND và UBND, Mặt trận Tổ quốc huyện mặc dù đang phải chống dịch nhưng vẫn chủ động tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ năm 2021 bằng hình thức trực tuyến. Điều này chứng tỏ chính quyền đánh giá đúng tầm quan trọng của các hội nghị đối thoại công khai với người dân. Tại các đầu cầu, bộ máy chính quyền cấp xã và người dân có mặt đông đủ và không khí trao đổi dân chủ, cởi mở, thẳng thắn.
Trong bối cảnh Hà Nội vẫn đang còn những ca lây nhiễm thì công tác tổ chức họp gọn nhẹ, đúng quy định 5K của Bộ Y tế nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đối thoại, tránh rườm rà, mang tính thủ tục. Có mặt tại buổi Hội nghị đối thoại định kỳ năm 2021 tại đầu cầu UBND huyện Thành Trì mới cảm nhận được những khó khăn, bất cập phát sinh ở các tổ dân phố, các xã. Đúng như Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Lê Tiến Nhật phát biểu: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 phát sinh ra rất nhiều vấn đề mới thông qua hội nghị đối thoại, các ý kiến của người dân xuất phát từ thực tiễn sẽ giúp cán bộ địa phương nắm rõ tình hình và nâng cao nhận thức về công tác quản lý”.
Hơn 80% các phát biểu từ cơ sở đều phản ánh các vấn đề về an sinh xã hội, cấp quyền sử dụng đất, đường liên thôn, liên xã, thủy lợi, chiếu sáng, vệ sinh môi trường, nơi sinh hoạt cộng đồng. Ảnh TCNN |
Thực tế cho thấy, dù đã tổ chức rất nhiều các hội nghị đối thoại nhưng khác với các quận nội thành, ở nông thôn vấn đề an sinh xã hội đã và đang được dư luận quan tâm nhất. Hơn 80% các phát biểu từ cơ sở đều phản ánh các vấn đề về an sinh xã hội, cấp quyền sử dụng đất, đường liên thôn, liên xã, thủy lợi, chiếu sáng, vệ sinh môi trường, nơi sinh hoạt cộng đồng. Nghe đại diện nhân dân của các xã Hữu Hòa, Liên Ninh, Tả Thanh Oai và nhiều địa phương khác phát biểu ngắn gọn, súc tích và đi thẳng vào vấn đề cho thấy đối thoại định kỳ đã trở thành việc làm thường xuyên. Người dân địa phương đã biết chọn vấn đề để đưa ra với chính quyền, có những vấn đề chỉ có đến đối thoại mới nảy sinh như thu thuế môn bài làm thế nào để đảm bảo chỉ tiêu, đúng đối tượng.
Đúng như quan điểm điều hành Hội nghị đối thoại định kỳ, các đồng chí đứng đầu huyện ủy, UBND, HĐND huyện Thanh Trì, trong đối thoại không có vấn đề lớn, vấn đề nhỏ mà chỉ có những vấn đề người dân quan tâm. Có những xã có đến 2,3 người đăng ký phát biểu, có những người dân chất vấn 5,6 vấn đề dân sinh cần giải quyết mà thoại nghe đã thấy sự chuẩn bị khá kỹ.
Chính quyền địa phương cấp huyện đã không né tránh vấn đề khó, chủ động phân loại các ý kiến đối thoại của người dân để trả lời, có những vấn đề trong phạm vi quyền hạn thì giải quyết ngay, nếu ngoài thẩm quyền thì báo cáo Thành phố. Ví dụ như vấn đề xây dựng Nhà văn hóa Tổ dân phố cụm 591 xã Liên Ninh phải cần thời gian để bố trí quỹ đất bởi hiện nay chưa thể thực hiện ngay.
Quang cảnh buổi đối thoại đầu cầu UBND huyện Thanh Trì. Ảnh AT. |
Chia sẻ và thấu hiểu
Bản thân người dân 16 xã, thị trấn thông qua đối thoại cũng thấu hiểu được những khó khăn của chính quyền xã, huyện trong quá trình thực thi pháp luật. Đơn cử như các đơn vị gây ô nhiễm môi trường đang nằm trong địa bàn huyện Thanh Trì như Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, Chi nhánh Công ty CP bột giặt Net cần phải di dời ra khỏi địa bàn khu dân cư. Đây cũng là những vấn đề khi chuyển đổi từ huyện lên quận cần phải giải quyết, nhưng nó lại thuộc thẩm quyền giải quyết của Thành phố, cần có thêm thời gian. Cách trả lời người dân tại buổi đối thoại cho thấy huyện đã rất bao quát, nắm được vấn đề ở cơ sở, đi thẳng vào các phát sinh ở cơ sở.
Với thời lượng trong 1 buổi sáng chắc chắn chưa thể thỏa mãn hết các ý kiến đóng góp, kiến nghị của người dân huyện Thanh Trì. Nhưng Hội nghị đối thoại định kỳ năm 2021 được xem là dịp để chính quyền và người dân Thanh Trì xích lại gần nhau hơn. Việc ngày càng nhiều người dân tích cực tham gia đối thoại chính là thước đo của chất lượng các hội nghị đối thoại và góp phần làm cho bộ mặt nông thôn mới của Thanh Trì ngày càng tươi đẹp hơn.