Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc.
Trong hơn 40 nước đang phát triển, Việt Nam được đánh giá là nước đạt những tiến bộ hơn cả về phát triển con người trong những thập kỷ gần đây. Theo dự đoán của Liên Hợp quốc, đến năm 2030, hơn 80% người dân thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới sẽ tập trung ở Nam bán cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có khoảng 2/3 dân số thuộc tầng lớp trung lưu mới của thế giới, theo đó trình độ dân trí của hàng tỷ người sẽ ngày càng được nâng cao, họ sẽ hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào đời sống xã hội và quốc tế, mặc dù mức thu nhập của họ vẫn còn thấp hơn đáng kể so với những người cùng tầng lớp ở các nước công nghiệp Bắc bán cầu.
Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh, đầu tư vào tiềm năng con người có ý nghĩa sống còn, giúp Việt Nam nâng cao lợi thế cạnh tranh và nhờ đó được hưởng lợi đầy đủ khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Bà Pratibha Mehta cũng lưu ý bốn lĩnh vực chủ chốt mà Việt Nam nên chú trọng nhằm đảm bảo tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực phát triển con người, bao gồm thúc đẩy bình đẳng, tăng cường tiếng nói và sự tham gia của người dân, đối mặt với các thách thức về môi trường và kiểm soát những thay đổi về nhân khẩu.