Tháo gỡ bất cập trong đấu thầu thu gom rác

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thực hiện dịch vụ vệ sinh môi trường (VSMT) theo phương thức đấu thầu tập trung là chủ trương đúng, tạo tính chủ động cho các nhà thầu phát huy năng lực, tiết kiệm chi phí ngân sách và tạo sự ổn định trong gia đoạn đấu thầu.

Tuy nhiên, công tác quản lý, thực hiện các gói thầu trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt tình trạng nhà thầu “bỏ quên” rác tại địa bàn Tây Hồ, Nam Từ Liêm... trong một thời gian gần đây, khiến dư luận bức xúc. Từ đó, nhiều chuyên gia khẳng định, Hà Nội cần sớm có hướng tháo gỡ, để mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh – sạch – đẹp được bền vững.

Bài 1: Chủ trương đúng, thực hiện nhiều vướng mắc

Đấu thầu thu gom rác là biện pháp giúp các chủ đầu tư tìm được những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết… trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo VSMT trên địa bàn TP Hà Nội. Đây cũng là cơ hội để các nhà thầu hoàn thiện quy trình hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, trong đấu thầu thu gom, duy trì VSMT giai đoạn 2017 – 2020 (lần đầu tiên Hà Nội triển khai), công tác đấu thầu, thực hiện các bài thầu gặp không ít khó khăn.

Hiệu quả cao
 Thu gom rác thải sinh hoạt tại huyện Mê Linh. Ảnh: Chiến Công

Bắt đầu từ năm 2017, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo VSMT trên địa bàn, TP Hà Nội đã thực hiện phương thức đấu thầu tập trung, tạo điều kiện tối đa công khai, minh bạch cho các đơn vị có năng lực tốt tham gia thực hiện góp phần xây dựng Thủ đô xanh – sạch – đẹp. Có thể nói, đến thời điểm này, công tác duy trì VSMT trên địa bàn TP đã phần nào được cải thiện.

Ông Nguyễn Hữu Tiến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) chia sẻ, việc thực hiện dịch vụ VSMT theo phương thức đầu thầu tập trung là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện tối đa công khai, minh bạch, tăng tính chủ động cho các nhà thầu phát huy năng lực, chuyên nghiệp hơn khi tham gia. Chủ trương này giúp tiết kiệm nguồn ngân sách chi sự nghiệp môi trường thông qua hình thức đấu thầu và ổn định hàng năm trong giai đoạn đấu thầu, thống nhất phương thức quản lý đối với công tác cung ứng dịch vụ VSMT thông qua các sở, ngành của TP. Ngoài ra, chủ trương này đã giúp huy động thêm các nguồn lực xã hội cho công tác đảm bảo VSMT TP, tăng năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực thu gom rác.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Sơn Tùng, phường Láng Thượng (quận Đống Đa) chia sẻ, điểm nhấn trong công tác thu gom, duy trì VSMT trong giai đoạn 2017 – 2020 là việc tăng cường cơ giới hóa, thu gom, xử lý, hạn chế rác thải tồn đọng qua ngày. Dẫu vậy, đôi khi tại Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải nhưng đó là những tình huống bất khả kháng. “Việc tổ chức đấu thầu thu gom, duy trì VSMT đã thực sự đem lại hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo VSMT trên địa bàn quận Đống Đa nói riêng và TP Hà Nội nói chung” – ông Nguyễn Sơn Tùng nhìn nhận.

Bất cập trong triển khai

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu gom, duy trì VSMT trên địa bàn TP trong giai đoạn 2017 – 2020 vẫn còn khá nhiều bất cập. Một số chuyên gia cho rằng, nhiều tiêu chí của bài thầu chưa đáp ứng được các chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác quản lý chất thải rắn tương ứng với những mục tiêu đề ra đối với từng chủng loại rác cũng như chưa đưa ra các yêu cầu tuân theo quy định hiện hành về môi trường của UBND TP Hà Nội ban hành. Bên cạnh đó, phương thức tổ chức sản xuất vẫn chưa có sự cải tiến rõ nét, xe gom rác vẫn lạc hậu, chưa được cải tiến qua nhiều năm sử dụng. Các điểm cẩu, tập kết rác còn nhếch nhác chưa có quy chuẩn kỹ thuật; xe ô tô chuyên dùng chưa kín khít, vẫn còn hiện tượng để chảy nước rác ra đường; lực lượng lao động thủ công chưa thực sự chuyên nghiệp, chuẩn hóa...

Ngoài ra, một số gói thầu trên cùng một địa bàn nhưng có hơn một đơn vị cùng thực hiện như quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông... khiến công tác tổ chức thu gom và quản lý thiếu đồng bộ, hoạt động còn manh mún, hình thành nhiều điểm mất vệ sinh tại khu vực điểm ráp ranh giữa các đơn vị, quận, huyện...

Thậm chí, chưa quy định rõ các lỗi vi phạm của nhà thầu, chủ đầu tư khi thực hiện gói thầu. Chưa quy định cụ thể việc xử phạt đối với các lỗi vi phạm, điều khoản chấm dứt hợp đồng..., khiến công tác đảm bảo VSMT trên địa bàn TP gặp không ít khó khăn, bất cập. Sự việc tồn đọng rác thải dài ngày tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) là một ví dụ điển hình.

(còn nữa)

Liên quan đến vấn đề thu gom, xử lý rác thải, tại buổi làm việc với quận Hà Đông mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Phải nhìn nhận rõ những vấn đề chưa làm được. Riêng vấn đề rác thải, phải xử lý triệt để và bền vững cơ bản từng việc để rút kinh nghiệm cho những việc khác. Các đồng chí nên chọn một vài việc tập trung giải quyết dứt điểm để Nhân dân có niềm tin và lấy làm mẫu cho những việc khác".

Trước tình trạng xe chở rác gây mất VSMT, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp với Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển rác thải sinh hoạt vi phạm chở quá tải trọng, để chảy nước thải ra đường gây mất ATGT, VSMT hoạt động trên địa bàn TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần