Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháo gỡ khó khăn cho vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 16/4, đoàn giám sát của Ban kinh tế và Ngân sách - HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT về cơ chế đầu tư xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Trong giai đoạn 2011 – 2016, Sở NN&PTNT triển khai 4 chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm: Chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố Hà Nội; Đề án phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao; Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.

Tháo gỡ khó khăn cho  vùng sản xuất nông nghiệp tập trung - Ảnh 1

Mô hình trồng cam Canh cho thu nhập cao ở huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.

Đến thời điểm này, các chương trình, đề án đã đi được 1/3 chặng đường, bước đầu đạt hiệu quả và đáp ứng mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các chương trình, đề án đang gặp khó khăn về nguồn vốn và cơ chế chính sách đầu tư; một số chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố khó thực hiện và chưa đi vào cuộc sống.

Do vậy, Sở NN&PTNT đề nghị HĐND xem xét và ưu tiên nguồn lực, bố trí đủ nguồn lực cho việc thực hiện các chương trình. Bên cạnh đó, UBND TP tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cân đối, bố trí, huy động nguồn lực để việc thực hiện các chương trình, đề án tại các địa phương đạt kết quả.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho rằng thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ chế chính sách là một việc khó, phức tạp. HĐND TP đã, đang và sẵn sàng xem xét bố trí nguồn lực để thực hiện thành công các chương trình, đề án đã được thành phố phê duyệt. Tới đây, việc xây dựng cơ chế chính sách cho nông nghiệp cần tập trung vào mục tiêu trọng tâm của mỗi chương trình, đề án. Bên cạnh đó, phải quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của đối tượng tham gia. Phương thức hỗ trợ phải vừa có trực tiếp, vừa có gián tiếp; cố gắng tạo sự bình đẳng và tránh sự trùng lặp trong hỗ trợ.