Theo đại diện Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), Luật 55/QH về an toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Đây là lần đầu tiên việc quản lý an toàn thực phẩm được phân chia quản lý theo chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm theo xu thế quản lý an toàn từ trang trại đến bàn ăn, trên nguyên tắc: Ngành nông nghiệp quản lý đầu vào của quá trình chế biến, ngành công thương quản lý khâu sản xuất – lưu thông, ngành y tế quản lý khâu thức ăn đường phố và một số sản phẩm đặc thù. Đây là xu hướng tất yếu của việc quản lý an toàn thực phẩm tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Trong giai đoạn khởi đầu thực hiện, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, lúng túng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã rất cố gắng để ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Trong khi chờ đợi Nghị định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản đồng ý giao ngành y tế tiếp tục thực hiện việc công bố chất lượng sản phẩm tạm thời để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Ngày 25/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 11/6/2012 hướng dẫn chi tiết thực hiện một số điều của Luật 55 trên cơ sở phân định rõ hơn nội dung và đầu mối thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Từ đó đến nay, nhiều khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đã dần được tháo gỡ. Về phía Bộ Công Thương, ngày 23/7/2012 đã có văn bản số 6610 hướng dẫn thực hiện quản lý an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Đến ngày 5/10/2012, Bộ lại ban hành Thông tư số 12 hướng dẫn thực hiện việc cấp và thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/11/2012. Các văn bản này thực tế đã góp phần giúp doanh nghiệp có đầu mối giải quyết những thủ tục hành chính liên quan. Tuy vậy, việc thực hiện của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện Luật 55 và Nghị định 38. Trước thực trạng đó, “việc tổ chức những buổi tập huấn như thế này là động thái tích cực của cơ quan quản lý nhà nước với mong muốn cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin hữu ích nhất để doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định của Luật mà họ phải thực hiện. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng tôi lắng nghe, thu nhận những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp để thực thi Luật được tốt hơn” – bà Ngân nhấn mạnh.