Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thao túng thị trường chứng khoán: Phạt thế nào cho đủ?

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, hàng loạt các vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã bị cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, việc xử phạt này vẫn như "muối bỏ bể" trong khi các cá nhân, đối tượng thu lợi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Thao túng tinh vi, thu lợi khủng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với ông Bùi Ngọc Bút (Thanh Xuân, Hà Nội) vì hành vi dùng 38 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (HoSE: IBC). Hình thức xử phạt chính là phạt tiền 550 triệu đồng theo quy định VPHC trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Bên cạnh đó, ông Bút còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là gần 150 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền phải nộp là gần 700 triệu đồng.
 Nhà đầu tư theo dõi cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán ACB.  Ảnh:  Trần Việt
IBC là công ty con thuộc Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) làm Chủ tịch HĐQT. Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, công ty ghi nhận doanh thu đạt gần 730 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 53 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế của IBC giảm mạnh tới hơn 67%.

Trước đó, UBCKNN cũng ban hành quyết định xử phạt VPHC đối với ông Vũ Huy Sơn về hành vi thao túng cổ phiếu trên thị trường khi sử dụng 31 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (HNX: KVC) với số tiền xử phạt 550 triệu đồng.

"Mức phạt các vi phạm trên TTCK theo Dự thảo vẫn thấp, cần quy định mức phạt tiền chia ra nhiều khung và có thể nâng tỷ lệ mức phạt trần cao hơn, lên đến 5 tỷ đồng, 10 tỷ đồng thậm chí 20 tỷ đồng. Đồng thời, có những mức phạt nghiêm khắc mang tính răn đe để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như hạn chế các sai phạm trên TTCK." - Phó Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty CP Chứng khoán Dầu khí Lê Đức Khánh

Đây chỉ là hai trong rất nhiều những vụ thao túng cổ phiếu, “quên” công bố thông tin để thu lợi bất chính… trên TTCK Việt Nam. Theo các chuyên gia phân tích, thời gian qua, TTCK xuất hiện nhiều vụ vi phạm rất tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn. Một số cá nhân thu lợi hàng trăm tỷ đồng từ các hành vi mua bán “chui”, thao túng chứng khoán nhưng mức xử phạt chỉ mấy chục triệu đồng như muối bỏ bể. Trong khi đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ thì trắng tay vì các hành vi sai phạm này.

Tăng mức xử phạt đủ sức răn đe

Để hạn chế các vi phạm trên TTCK Việt Nam, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức liên quan đã bổ sung thêm một số đề xuất tăng mức xử phạt và thêm quyền trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cho UBCKNN. Cụ thể, về thanh tra, xử lý vi phạm, Dự thảo bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCKNN khi tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm… Đối với mức phạt, dự thảo quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt VPHC là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong trường hợp tái phạm gấp 2 lần mức phạt vi phạm lần đầu.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý quy định tại luật này. Cụ thể, đình chỉ hoạt động, đình chỉ giao dịch có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề; cấm chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn có thời hạn; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm tham gia các hoạt động về chứng khoán và TTCK có thời hạn hoặc vĩnh viễn; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC.

Chủ tịch UBCKNN, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần nâng trần mức phạt và áp dụng nhiều mức khác nhau giúp tăng tính răn đe để làm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như hạn chế các sai phạm trên TTCK.